Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của người dân ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa) đã được cải thiện.
Người dân ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa) không còn bị đói giáp hạt, nhiều hộ giàu lên nhờ cây mía - Ảnh: A.NGỌC
ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT VÀO SẢN XUẤT
Năm 2012, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, cộng với việc tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân xã Cà Lúi đã thâm canh lúa nước, mía, sắn và chăn nuôi bò đàn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cánh đồng Krông Pông ở buôn Ma Đao được đầu tư xây dựng trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho 20ha lúa nước, năng suất lúa 50 tạ/ha, cơ bản giải quyết nguồn lương thực tại chỗ. Ông Ma Trem ở buôn Ma Đao cho biết: “Mấy năm trước, việc sản xuất của bà con theo kiểu truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả mang lại không cao, nhiều gia đình thiếu ăn. Từ khi được Hội Nông dân và Phòng NN-PTNT huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bà con chúng tôi mạnh dạn áp dụng vào thực tế và thấy hiệu quả sản xuất mang lại cao, nhờ vậy đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ trong buôn có cuộc sống khá giả nhờ trồng sắn, mía và nuôi bò”.
Xã Cà Lúi có hơn 75ha lúa nước hai vụ, gần 75ha bắp, 340ha sắn, hơn 110ha mía và khoảng 2.050 con bò. Cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng đạt khá cao so với trước đây. Theo UBND xã Cà Lúi, năng suất mía của xã đạt 60 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha. Nhiều hộ khá lên nhờ trồng mía, như ông Ma Vừa ở buôn Ma Thìn, ông Nguyễn Kiến ở buôn Ma Lăng, hộ Oi Đam ở buôn Ma Đao…
CUỘC SỐNG KHỞI SẮC
Bức tranh nông thôn xã Cà Lúi hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhiều nhà được xây dựng kiên cố, đường giao thông tại các buôn được bê tông hóa. Buôn Ma Lăng - trung tâm xã Cà Lúi đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nhiều cửa hàng tạp hóa mọc lên, “chợ di động” do các tiểu thương ở miền xuôi vận chuyển nhiều loại hàng hóa lên phục vụ người dân trong xã. Theo ông Nay Y Méo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Lúi, nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, sự hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135… nên đời sống của bà con trong xã đã khởi sắc rất nhiều, cái nghèo đã lùi xa. Còn ông Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã thì cho biết: “Tình trạng phá rừng trong xã đã giảm đáng kể, thay vào đó, người dân tích cực tham gia trồng rừng do các dự án triển khai trên địa bàn, trong đó dự án FLITCH đã trồng mới gần 115ha. Năm 2012, số hộ nghèo của xã giảm còn 186. Năm 2013, xã Cà Lúi sẽ khuyến khích bà con đầu tư vốn mở trang trại, chuyển dịch cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế vườn rừng ở các vùng đất hoang hóa, đồi trọc. Ngoài ra, xã cũng sẽ chú trọng đến việc đầu tư công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng, nhất là lúa nước”.
LÊ KHA