Thôn Tân Lập nằm trên vùng đất xã An Thọ nhưng do UBND xã An Mỹ (Tuy An) quản lý. Người dân nơi đây đang mong có được hệ thống nước sạch và đường gom để giải quyết tình trạng thiếu nước diễn ra đã lâu và để việc đi lại được dễ dàng.
Thiếu nước nên người dân phải đi gánh rất xa - Ảnh: V.AN
Thôn Tân Lập có 89 hộ dân với 397 nhân khẩu. Khu vực này nằm trên đất của xã An Thọ nhưng những người sống ở đây phần lớn là dân xã An Mỹ lên lập làng, hình thành vùng kinh tế mới từ sau năm 1975 nên toàn bộ mọi hoạt động của thôn Tân Lập đều do UBND xã An Mỹ quản lý. Theo những người dân thôn Tân Lập, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã kéo dài nhiều năm nay nhưng nghiêm trọng nhất là vào mùa hè. Do ở vị trí có địa hình cao, nguồn nước ngầm khan hiếm nên tất cả các gia đình ở đây đều bị thiếu nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Ông Phạm Văn Ngọc, một trong những người cao tuổi ở thôn Tân Lập cho biết: Từ năm 1978, khi mọi người rủ nhau lên đây làm kinh tế mới thì đã xảy ra tình trạng thiếu nước. Gần đây, đời sống của nhiều hộ gia đình ổn định hơn nhưng nước vẫn thiếu trầm trọng. Mùa hè, nhà nào cũng phải phân công người đi xa gần 2km để lấy nước về dùng. Nguồn nước được lấy từ suối ở tận thôn Quảng Đức (An Thọ); các hộ dân phải mua ống nhựa dẫn nước về nhà nấu ăn, tắm giặt; cho heo, bò uống. Những tháng nắng gắt, suối cũng cạn nên nhiều nhà phải mua nước về sử dụng. Nguồn nước cũng không đảm bảo vệ sinh. “Bà con ở thôn Tân Lập ai cũng mong được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch để giải quyết tình trạng thiếu nước. Mới đây, lãnh đạo xã An Mỹ có hứa sẽ xây dựng tại đây hệ thống nước nhưng người dân phải tìm được nguồn nước ổn định. Việc này tương đối nan giải, không biết Nhà nước có cách gì giải quyết để giúp dân bớt khổ”, ông Phạm Văn Ngọc bày tỏ.
Cùng với nước, các hộ dân đang sinh sống tại thôn Tân Lập cũng đề nghị chủ đầu tư dự án Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa (ĐT643) nghiên cứu làm đường gom để việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân trong vùng về Nhà máy đường KCP tại huyện Sơn Hòa được thuận lợi. Theo anh Nguyễn Văn Quyện (một người dân thôn Tân Lập), trước đây, mặt đường tỉnh 643 chưa được thi công nâng cấp thì nhiều gia đình sống dọc hai bên đường có thể dễ dàng đi lại từ nhà ra đường. Từ khi nhà thầu hạ nền đường, nền nhiều nhà dân đã chênh cao so với mặt đường từ 1-2m. Bây giờ đi lại khó khăn, nhà nào nằm cao quá so với mặt đường thì phải đi nhờ sang đất của người khác để ra đường. Khổ nhất là đến mùa thu hoạch mía, sắn, xe “bục bịch” không vào được các diện tích nằm phía sau nhà nên mọi người phải tốn công vận chuyển ra nơi tập kết để xe đến chở đi. Anh Quyện còn cho biết thêm: Nhà tôi bị kéo đường điện hạ thế đi trên nóc nhà, đến giờ vẫn chưa di dời; móng nhà lại bị đơn vị làm đường múc sát vào, có thể sập bất cứ lúc nào nên gia đình cảm thấy không yên tâm, chỉ muốn được di dời đi nơi khác.
Liên quan đến các kiến nghị của người dân thôn Tân Lập, Chủ tịch UBND xã An Mỹ Đoàn Ngọc Vinh cho biết: Xã đã có kế hoạch khảo sát nguồn nước, xây dựng hồ chứa nước cho nhân dân. Các hộ gia đình sẽ phải lắp đặt đường ống dẫn nước về nhà để dùng. Còn theo ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh, thì trước tình trạng thiếu nước của người dân thôn Tân Lập, khi tiến hành nâng cấp đường tỉnh 643, chủ đầu tư đã cho đào 5 cái giếng dọc theo đường ở khu vực miếu Bà. Nếu người dân có nhu cầu thì Ban quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai sẽ cho đào thêm nhưng phải đảm bảo có nước để sử dụng. “Riêng với kiến nghị làm đường gom, chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị thi công đường giúp dân san ủi, tạo lối đi chung thuận lợi cho nhiều hộ dân nhưng không phải đền bù. Về lâu dài, khi hoàn thành dự án Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa, chủ đầu tư sẽ sử dụng vốn kết dư để thi công các nút giao giữa ĐT643 với các đường dân sinh”, ông Phổ nói.
THANH HOÀI - VIỆT AN