Phú Yên có nguồn tài nguyên, khoáng sản biển phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý và hiện trạng khai thác chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Do ô nhiễm môi trường nước, hàng trăm ha tôm bị nhiễm bệnh trong năm 2012 - Ảnh: P.NAM
TÀI NGUYÊN PHONG PHÚ, ĐA DẠNG
Phú Yên có bờ biển dài 189km, ngư trường rộng, nằm trong vùng biển đa dạng về hải sản, với khoảng 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loài mực và nhiều loài hải sản khác như sò, điệp... Tổng trữ lượng cá khoảng 46.000 tấn, trữ lượng cho phép khai thác khoảng 35.000 tấn/ năm. Có nhiều đầm, vịnh lớn như đầm Cù Mông, Ô Loan, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, cửa sông Đà Rằng, Đà Nông... với diện tích mặt nước hơn 15.000ha và trên 2.000ha đất ngập mặn ven biển, là môi trường thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản như tôm, sò huyết, cá mú... Bờ biển có nhiều bãi sạch, đẹp như Tuy Hòa, Long Thủy, Bãi Xép, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Vũng La, Vũng Me… rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển và tham quan thắng cảnh. Dọc bờ biển còn có các vũng, vịnh kín gió, là nơi neo đậu tốt cho các tàu thuyền. Đặc biệt vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, Vũng Rô có mặt bằng rộng, thuận lợi cho phát triển cảng và công nghiệp cảng biển. Ngoài ra, biển có nồng độ muối cao, ổn định, số giờ nắng nhiều, cường độ bức xạ lớn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất muối. Và tỉnh đã hình thành vùng sản xuất muối tập trung tại TX Sông Cầu với hơn 200ha, năng suất bình quân từ 70-100tấn/ha.
Theo Kết quả điều tra cơ bản về giá trị kinh tế - địa chất các tài nguyên khoáng sản của Sở Công thương, Phú Yên có tài nguyên khoáng sản vùng biển và ven biển tương đối phong phú. Trong đó có một số loại khoáng sản như sắt, thiếc, nhôm, titan… Riêng titan sa khoáng tích đọng trong các dải cát ven bờ biển từ huyện Đông Hòa đến TX Sông Cầu với trữ lượng hơn 85.000 tấn Inmenit; gần 1.500 tấn Rutin, gần 3,4 tỉ tấn Ziricon và 27,7 tấn monazit.
Theo Sở TN-MT, do vốn và kỹ thuật còn hạn chế nên việc khai thác khoáng sản vùng biển và ven biển chưa mang lại hiệu quả cao. Một số địa phương, công tác quản lý tài nguyên chưa tốt, tình trạng người dân tổ chức khai thác tự phát diễn ra khá phổ biến, gây tác động tiêu cực đến môi trường và thất thoát tài nguyên.
THỰC TRẠNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Nhiều năm trước đây, việc đánh bắt hải sản của ngư dân Phú Yên chỉ tập trung ven bờ, sử dụng các phương tiện đánh bắt thô sơ, hủy diệt, trong khi đó công tác tái tạo chưa được quan tâm, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Thời gian gần đây, ngư trường khai thác có sự chuyển dịch mạnh theo hướng ra khơi xa, nhất là ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, giúp ngư dân có thu nhập cao và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Từ năm 2004 trở về trước, nhiều địa phương trong tỉnh tận dụng diện tích mặt nước đầm phá, vịnh và chuyển đổi một lượng lớn đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, tạo việc làm ổn định cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2005 trở lại đây, do sự biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, người dân thi nhau mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên diện rộng, nông dân thua lỗ vốn, nhiều diện tích bỏ hoang hoặc không còn khả năng tái thả nuôi. Theo Sở NN-PTNT, năm 2012, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 2.600ha (tăng hơn 600ha so với năm 2010), ngư dân thả nuôi 27.450 lồng bè, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó tôm hùm giảm 18%. Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, với hơn có 900ha tôm bị bệnh làm mất trắng gần 66ha. Hậu quả, nhiều người nuôi thua lỗ vốn. Nguyên nhân chính là do vài năm trở lại đây, giá một số loại thủy sản tăng cao, người dân đổ xô thả nuôi tôm hùm và tôm sú làm mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm nguồn nước đầm vịnh dẫn đến dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới cần đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng thâm canh và bán thâm canh, nhất là các loại có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm hùm... Quy hoạch ổn định các vùng nuôi tập trung tại các đầm, vịnh lớn, hạ lưu các sông gắn với việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phù hợp, nhân rộng nghề nuôi thủy sản như cá mú, cá giò, cá hồng Mỹ, ốc hương, bào ngư... duy trì diện tích nuôi trồng bình quân từ 1.000 – 1.500ha/năm.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC HỢP LÝ
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển Phú Yên đến năm 2020, tỉnh xác định mục tiêu: Xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, ổn định và bền vững, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng, trình độ phát triển tiên tiến, cơ cấu kinh tế hiện đại với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại... Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Xây dựng và hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, trước hết là hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung. Ưu tiên nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, chế biến thủy sản, du lịch biển đảo; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ, hiện đại hóa các hoạt động dịch vụ. Xây dựng hệ thống chuỗi đô thị và nông thôn vững chắc làm căn cứ hậu cần đủ mạnh để phát triển công nghiệp-dịch vụ, khai thác tốt tiềm năng vùng biển khơi.
PHƯƠNG NAM (lược ghi)