Những ngày qua, do ảnh hưởng bão số 1, trên địa bàn Phú Yên có mưa kéo dài, lúa đông xuân gieo sạ trà cuối bị ngập úng, hư hại. Đáng lo ngại, tình trạng ngập úng là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản tốc độ nhanh gây hại lúa.
Nông dân xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) bắt ốc bươu vàng hại lúa - Ảnh: H.NAM
NHIỀU CÁNH ĐỒNG NGẬP ÚNG
Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa…, ảnh hưởng của bão số 1, mưa kéo dài làm cho gần 200ha lúa đông xuân chuẩn bị gieo sạ và vừa xuống giống bị ngập úng. Tại các xã Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân Tây (Tây Hòa) có hơn 50ha lúa ở các vùng trũng bị chìm trong nước. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho biết: “Mưa kéo dài, nước lớn tràn qua bầu, ao làm ngập các chân ruộng vùng trũng không thể xuống giống được. Một số diện tích vừa gieo sạ xong cũng bị ngập úng, hiện thời tiết vẫn còn mưa nên công tác bơm tiêu chống úng gặp khó khăn”.
Tại HTX Nông nghiệp Hòa Thắng 2 (Phú Hòa) có 6ha lúa ở cánh đồng Bàu Cỏ bị ngập úng. Ông Nguyễn Bảy, một nông dân có ruộng ngập úng ở đây cho hay: “Nguyên nhân ngập úng là do các cánh đồng cao ở xã Hòa Trị đang gieo sạ, bà con nông dân cản mương đưa vào ruộng làm cho vùng trũng ở đây không thoát nước được. Hơn nữa do ảnh hưởng bão số 1, mưa kéo dài nên ruộng bị ngập úng, lúa vừa ra lá non phát triển yếu ớt, có đám lúa bị ngã rạp”.
Tại các cánh đồng xã Hòa Thành, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) đợt mưa kéo dài vừa qua làm cho một số vùng trũng bị ngập úng nặng. Nhiều nông dân có ruộng hư hại đang chờ dứt mưa bón phân đợt đầu sẽ phải bón nhiều để “thúc” cây lúa đẻ nhánh để nhổ tỉa cấy dặm lại những diện tích bị hư hại. Ông Nguyễn Đình Nhu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Xuân Tây cho biết, có hơn 50ha lúa vừa mới gieo sạ từ 1-7 ngày tuổi ở các cánh đồng Rọc Thành, Gò Am, Rọc Chàm bị ngập úng, trong đó 1/3 diện tích hư hại nặng. HTX khuyến cáo bà con tập trung chống úng bằng cách bơm tưới để lúa không bị hư hại.
ỐC BƯƠU VÀNG HẠI LÚA
Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, lúa đông xuân 2012-2013, giai đoạn mạ - đẻ nhánh bị ốc bươu vàng gây hại gần 27ha lúa, mật độ 1,5-6 con/m2 tập trung ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa và Tây Hòa.
Dọc theo các cánh đồng thị trấn Chí Thạnh, An Định (Tuy An); Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) nhiều thửa ruộng bị ốc bươu vàng gây hại nặng. Thời tiết mưa kéo dài, ruộng ngập úng là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản tốc độ nhanh gây hại lúa, nhất là những thửa ruộng ở vùng trũng, bùn nhiều. Ông Nguyễn Thành ở xã An Định cho biết: “Tôi vừa gieo sạ xong 2 sào ruộng, lúa chưa được một tuần tuổi đã bị ốc bươu vàng cắn phá với mật độ dày. Năm nay ốc bươu vàng gây hại nặng hơn các năm trước và nguy cơ thiếu mạ để cấy dặm là điều khó tránh khỏi”.
Còn ông Hồ Huỳnh Hải, ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) nói: “Lúa vừa gieo sạ nhú mầm bị ốc bươu vàng cắn phá, nhất là những nơi còn đọng nước thì ốc bươu vàng trồi lên cắn phá sạch. Tôi đã phun thuốc diệt ốc bươu vàng nhưng mưa rửa trôi, thuốc không còn tác dụng”.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian đến ốc bươu vàng tiếp tục gây hại làm giảm mật độ lúa và nghiêm trọng hơn có thể làm cây lúa mất khả năng sinh trưởng. Vì vậy nông dân phải có biện pháp phòng trừ đúng cách, đúng lúc mới mang lại hiệu quả. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, bà con nông dân cần bắt ốc bươu vàng và thu gom ổ trứng bằng tay, theo phương châm “ruộng nhà ai nấy bắt”. Đối với những vùng ngập nước và khó rút cạn thì mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá là biện pháp tốt nhất để giảm thiệt hại do ốc bươu vàng. Cũng theo ông Mạnh, ngoài biện pháp trên, bà con nông dân dùng cây xương rồng, chặt thả xuống nước, nhựa cây độc làm ốc say, nổi lên mặt nước giúp việc thu nhặt ốc dễ dàng hơn. Có thể dùng cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá sắn… bỏ xuống nước để dẫn dụ ốc đến. Nên đặt ở những chỗ có nhiều ốc bươu vàng trên ruộng lúa vào buổi tối sao cho miếng bả không bị ngập nước, sau đó tiến hành thu gom ốc. Đây là biện pháp đơn giản mà hiệu quả.
MẠNH HOÀI NAM