Máy tính xài một thời gian bị “lâm bệnh” là chuyện bình thường, nhưng cũng có máy mới mua về mà “hắt hơi, sổ mũi” liên tục vì bị virus tấn công, bị lỗi phần cứng - phần mềm...…Tất cả những “bệnh nhân” đó đều phải nhờ đến các “bác sĩ máy tính” (tên gọi dành cho những người chuyên sửa máy tính). Nhờ công việc này, nhiều người đang “ăn nên làm ra”.
Một nhóm “bác sĩ máy tính” đang “bắt mạch” cho các “bệnh nhân” bị nhiễm virus tại doanh nghiệp K&T. Ảnh: N.QUANG
Chúng tôi có mặt tại “bệnh viện máy tính” của doanh nghiệp tư nhân K&T (TP Tuy Hoà) và chứng kiến cảnh làm việc tất bật của những “bác sĩ máy tính”. Trong khoảng một giờ đồng hồ, có tới hàng chục cuộc điện thoại của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình gọi đến yêu cầu nhân viên của doanh nghiệp đến sửa máy tính, chủ yếu là diệt virus. Sau đó, một số máy tính đã được mang về cho “điều trị nội trú” do “lâm bệnh” nặng. Sau khi “bắt mạch”, ghi phiếu, vào sổ sửa chữa, “bác sĩ” Đỗ Đình Phong chuyển cho chuyên viên sửa máy “điều trị”.
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân K&T Lê Minh Quyền cho biết: “Hiện nay, đội ngũ “bác sĩ máy tính” của doanh nghiệp có 5 người, nhưng vẫn không đủ và buộc phải tuyển thêm 2 cộng tác viên là những sinh viên khoa công nghệ thông tin của các trường cao đẳng”. Doanh nghiệp này đã hoạch định chương trình chăm sóc và bảo vệ máy tính thường xuyên cho khách hàng định kỳ 2 lần/tháng. Khi gặp trục trặc, đội cứu hộ máy tính K&T sẽ có mặt kịp thời để “chữa trị”. Trong trường hợp phải mang đi sửa chữa và điều kiện cho phép, doanh nghiệp sẵn sàng cho mượn thiết bị để công việc của khách hàng không bị gián đoạn…
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), cả nước hiện nay có khoảng hơn 15.000 nhân sự đang trực tiếp lao động trong lĩnh vực phần mềm, trong đó đa phần là cử nhân CNTT. Chỉ có một số lượng rất nhỏ cử nhân CNTT tham gia trực tiếp trong lĩnh vực sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng máy tính tại các doanh nghiệp. Chính vì vậy, “Bác sĩ máy tính” có tay nghề cao sẽ khan hiếm trong thời gian tới. Để có thể đáp ứng đủ nhu cầu về “bác sĩ máy tính”, đòi hỏi trước hết phải giải quyết xong “cơn khát nhân lực phần mềm” hiện nay, mà doanh nghiệp nào cũng gặp phải.
Không riêng gì K&T, hầu hết các doanh nghiệp chuyên cung cấp, sửa chữa máy vi tính trên địa bàn TP Tuy Hoà đều tấp nập khách hàng. Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu về nghề sửa chữa, chẩn đoán hỏng hóc máy tính ngày càng tăng bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, học tập của các cơ quan, đơn vị và người dân ngày càng nhiều. Giám đốc doanh nghiệp tư nhân thương mại và tin học KPT Lê Tỷ Khánh (TP Tuy Hoà) cho biết: “Công việc đơn giản nhất và thường gặp nhất của một “bác sĩ máy tính” là: Lắp ráp, cài đặt, chẩn đoán, khắc phục các sự cố phần cứng; Sửa chữa hỏng hóc phần mềm; Quản trị mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng máy tính; Tư vấn về thiết bị máy tính cho khách hàng…”.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại TP Tuy Hòa chưa có “phòng mạch máy tính” nào chuyên nghiệp, mà đa số chỉ là những doanh nghiệp bán máy tính kiêm nhiệm. Vì thế, doanh nghiệp lớn, nhân viên giỏi thì trị “bệnh” cũng giỏi, còn doanh nghiệp thường thường với “bác sĩ” tầm tầm thì chữa đi chữa lại hoài mà “bệnh” tái phát dài dài. Một chủ doanh nghiệp cho biết, muốn thu hút “bác sĩ” giỏi không phải chuyện dễ vì đa số những người học hành đàng hoàng, có trình độ đều làm ở cơ quan Nhà nước; nếu mướn được phải trả lương cao - điều này lại là khó khăn cho doanh nghiệp. “Đành phải chấp nhận những em vừa qua lớp đào tạo cơ bản về sửa chữa điện tử - tin học, đào tạo thêm bằng cách cầm tay chỉ việc, tích lũy kinh nghiệm dần” - Anh nói.
ĐĂNG NGUYÊN