Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp điều ở Phú Yên hoạt động không hiệu quả, một số đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng, số khác phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Tình hình khó khăn đó buộc các bên liên quan phải đưa ra các biện pháp căn cơ để giải cứu ngành điều.
Ngành điều đang tạo việc làm cho nhiều lao động cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh: N.TRƯỜNG
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Phú Yên hiện có 12 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhân hạt điều xuất khẩu và nhiều cơ sở gia công, chế biến điều nhỏ lẻ, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn. Năm 2012, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho nền kinh tế khó khăn, trong đó gần 90% doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhân điều xuất khẩu bị thua lỗ. Đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định cái khó của năm 2012 khởi nguồn từ năm 2011. Ông Trương Văn Ba, Giám đốc Công ty cổ phần Điều Phú Yên cho biết: Đầu năm ngoái, giá nhân hạt điều loại W 320 ở mức 8,2USD/kg, đến tháng 5 nhảy vọt lên 9,2USD, tiếp tục tăng đến 10USD trong tháng 7 và trở lại 8,2USD/kg vào cuối năm. Giá nhân điều tăng mạnh vào thời điểm thu hoạch điều làm cho giá điều thô lên đến 42.000 đồng/kg. Trong khi đó, đặc thù của sản xuất điều là phải dự trữ nguyên liệu đến giáp vụ năm sau (khoảng tháng 4, tháng 5 năm sau) nên doanh nghiệp buộc phải mua nguyên liệu với giá cao. Lúc này, lãi suất cho vay của ngân hàng để doanh nghiệp mua nguyên liệu dự trữ lên đến 20-22%/năm, mỗi ký điều nguyên liệu từ lúc nhập kho đến khi sản xuất ra thành phẩm xuất bán và thu tiền về, bình quân mất trên 4.000 đồng/kg cho lãi vay ngân hàng. Năm 2012, giá nhân điều không ổn định, thời điểm đầu năm, nhân điều loại W 320 khoảng 8-8,2 USD/kg, đến tháng 3 xuống còn 7,2 USD, sau đó lên 8,4 USD vào tháng 5, rồi nhanh chóng giảm xuống; đến nay chỉ còn khoảng 7,3-7,5 USD/kg. Thêm vào đó, lượng điều tiêu thụ trong năm nay rất chậm, khiến nhiều doanh nghiệp không thể bán hàng theo kế hoạch sản xuất. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn, thua lỗ của các doanh nghiệp điều trong năm 2012 là do hàng tồn kho từ cuối năm 2011 giá cao, lãi suất ngân hàng cao, tiêu thụ chậm và giá cả giảm sâu ở năm 2012 dẫn đến toàn ngành điều rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Đến cuối tháng 12/2012, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều trên địa bàn Phú Yên tồn kho 850 tấn thành phẩm (tương đương 112,6 tỉ đồng). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tồn kho 22.356 tấn điều nguyên liệu, tương đương 575,8 tỉ đồng. Đại diện các doanh nghiệp cho biết, hiện giá điều giảm quá sâu nên không mặn mà xuất bán, hàng tồn kho ứ đọng, trong khi đó lãi vay ngân hàng vẫn phải trả hàng ngày khiến tình hình càng khó khăn hơn. “Do áp lực từ các chủ nợ, gần một tháng nay, chúng tôi không thể lấy được nguyên liệu đã thế chấp ra sản xuất, làm hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc, hàng chục cơ sở phải đóng cửa. Trong khi đó, nhu cầu việc làm của người lao động rất cao khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần. Hiện chúng tôi không biết tìm khoản tiền nào để thanh toán lương tháng 12/2012 cho công nhân, khi các chủ nợ phong tỏa các tài khoản ngân hàng”, ông Trương Văn Ba nói.
PHẢI CÓ “PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ” RIÊNG
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hòa Lâm (Phú Hòa), mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều có một “bệnh” riêng. Lãnh đạo tỉnh và các ngân hàng thương mại phải đóng vai trò của một bác sĩ, đưa ra phác đồ điều trị riêng cho từng doanh nghiệp. Nếu chờ Chính phủ có giải pháp dài hơi, có thể doanh nghiệp đã “tắt thở”. Năm 2013, doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp nào không còn khả năng thì nên chấp nhận từ bỏ cuộc chơi; doanh nghiệp nào còn cứu được thì ngân hàng nên khoanh nợ, cho vay mới theo năng lực sản xuất, xuất khẩu để duy trì hoạt động đến khi thị trường bình ổn trở lại. Các doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh cần có sự liên kết, dự đoán thị trường để điều tiết sản xuất, kinh doanh, không nên cạnh tranh thiếu lành mạnh để rồi tự mình làm khó mình. “Theo tôi, không nên cứu tất cả các doanh nghiệp, mà chỉ tập trung “điều trị” cho những doanh nghiệp có khả năng “sống” là được”, bà Yến nói. Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên thì cho rằng: Thời điểm này, các doanh nghiệp nên nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng bản chất của khó khăn để có giải pháp hỗ trợ khả thi. Bản thân doanh nghiệp phải làm ăn uy tín để tạo được niềm tin đối với ngân hàng.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều tiếp tục sản xuất ổn định, giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 10.000 lao động nông thôn, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả lãi; khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ; giảm lãi suất các khoản vay cũ; đồng thời nâng hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ nhiều hơn để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. “Trong thời điểm này, các ngân hàng thương mại và những nhà hoạch định chính sách cần thông cảm, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp điều. Các bên liên quan cần mạnh dạn có những kiến nghị đúng mức để các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp điều duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, kinh doanh. Vì cứu doanh nghiệp điều là cứu nông dân trồng điều, cứu hàng vạn lao động địa phương, và cũng là cứu ngân hàng thoát khỏi nợ xấu”, đồng chí Đào Tấn Lộc nói.
Năm 2012, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhân hạt điều ở Phú Yên ước sản xuất được hơn 15.000 tấn, giảm 17,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 69 triệu USD, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, các nước châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, với thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. |
LÊ HẢO