Ngày 27/12, đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh. Tham dự có các đồng chí: Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; đại diện các doanh nghiệp điều tại Phú Yên và các chi nhánh ngân hàng thương mại trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh cuộc họp. - Ảnh: LÊ HẢO
Năm 2012, toàn tỉnh có 12 cơ sở chế biến nhân hạt điều, ước sản xuất được hơn 15.000 tấn, giảm hơn 17,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 69 triệu USD, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động với thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 25/12/2012, tổng dư nợ của 10 doanh nghiệp chế biến điều nhân là hơn 771 tỉ đồng; trong đó, vay tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khoảng 552 tỉ đồng, chiếm 71,6% tổng dư nợ ngành điều. Hiện các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ hơn 100,6 tỉ đồng và đã điều chỉnh toàn bộ dư nợ lãi suất ngắn hạn bằng đồng Việt Nam về dưới 14%/năm. Tỉ lệ nợ xấu có khả năng mất vốn lên đến hơn 57,3 tỉ đồng, chiếm 7,43% tổng dư nợ toàn ngành.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều đã nêu lên những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, sức mua tại một số thị trường trọng điểm giảm; giá điều nhân diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu cũng biến động mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Trong khi đó, những tháng đầu năm 2012, lãi vay ngân hàng vẫn còn ở mức cao đến 20%/năm; về cuối năm, lãi suất có giảm nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều trong tình trạng hoạt động khó khăn, khả năng đáp ứng được các điều kiện cho vay của ngân hàng hạn chế nên khó tiếp cận được vốn vay mới với lãi suất thấp. Do vậy, một số doanh nghiệp phải bán thành phẩm dưới giá thành để lấy vốn xoay vòng, trả lương công nhân và trả lãi dư nợ vay cũ của ngân hàng đã làm cho hoạt động sản xuất càng bế tắc, phải thu hẹp hoặc tạm ngưng sản xuất. Qua đó, kiến nghị các ngân hàng thương mại điều chỉnh hạn mức tín dụng; khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ; giải phóng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất và thế chấp bằng nhân thành phẩm; xem xét giảm lãi suất những khoản vay cũ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn…
Sau khi nghe ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc kết luận hội nghị, nêu rõ: Các doanh nghiệp phải tự rà soát, đánh giá lại năng lực sản xuất, kinh doanh của mình, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Các chi nhánh ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, nghiên cứu giải pháp thế chấp nguyên liệu để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh; đồng thời tăng hạn mức tín dụng, giãn nợ trong khả năng cho phép. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cần kiểm tra chặt chẽ việc ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp điều. UBND tỉnh thực hiện nghiêm Nghị quyết 13 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp chế biến nhân hạt điều như tạm miễn hoặc giãn thuế nhập khẩu, giảm thuế giá trị gia tăng; khoanh nợ phần bị lỗ do nguyên liệu giảm giá; cho vay mới theo chính sách ưu đãi về tạm trữ nguyên liệu để ổn định sản xuất…
LÊ HẢO - NGÔ XUÂN