Chiều 24/12, Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tăng 5,03% so với năm 2011.
Ảnh minh họa: Internet
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm nay thấp hơn mức tăng 5,89% của năm 2011 nhưng “hợp lý”. Cụ thể, GDP quý I và II chỉ tăng lần lượt 4,64% và 4,8%, quý III và quý IV tăng 5,05% và 5,44%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011. Như vậy, lạm phát năm 2012 đã được kiềm chế dưới một con số và gần xấp xỉ mức lạm phát 6,52% của năm 2009 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và 18,13% của năm 2011.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12/2012 ước tính tăng 5% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2011. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, 2012 là năm có tỉ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Cả năm 2012, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 989.000 tỉ đồng, chiếm 33,5% GDP và tăng 7% so với năm trước. Giá trị sản xuất xây dựng tăng thấp so với năm 2011 (2,1%) khi chỉ đạt hơn 229.000 tỉ đồng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước đạt 10,4 tỉ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, xuất khẩu đạt 114,6 tỉ USD, tăng 18,3%.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng số liệu từ Tổng cục Thống kê lại cho biết, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm năm 2012 giảm. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị 1,58%, khu vực nông thôn 3,35%.
Theo TTXVN-VOV