Mặc dù, các vườn ươm cây giống trong tỉnh sản xuất hơn 5,8 triệu cây con, đáp ứng nhu cầu trồng mới 4.785ha rừng tập trung trong năm 2012, nhưng đến cuối tháng 11, toàn tỉnh mới chỉ trồng được khoảng 3.350ha rừng, đạt hơn 70% kế hoạch. Bên cạnh đó khai thác gỗ cũng giảm so với năm 2011.
Nông dân mua cây giống cho mùa trồng rừng - Ảnh: P.NAM
TRỒNG RỪNG KHÓ ĐẠT CHỈ TIÊU
Do khó khăn về nguồn vốn nên đến cuối tháng 11, ngoài trồng 2 triệu cây phân tán, toàn tỉnh mới chỉ trồng được khoảng 3.350/4.785ha rừng tập trung, đạt hơn 70% kế hoạch. Riêng dự án trồng 250ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không thực hiện được. Đối với Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6), kế hoạch trồng 1.237ha nhưng chỉ thực hiện 1.083ha, do không có nguồn vốn đối ứng 4,3 tỉ đồng của địa phương. Các dự án trồng rừng sản xuất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng giảm gần 5% diện tích so với năm 2011 và không đạt mục tiêu đề ra trong năm 2012, trong đó có Công ty cổ phần Trường Thành Xanh, Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu, Công ty cổ phần Cao su VRG...
Huyện Đồng Xuân có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh. Năm 2012, địa phương này phấn đấu trồng mới 2.000ha rừng tập trung và 2 triệu cây phân tán (tăng 740ha và 670.000 cây so với năm 2011). Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện mới chỉ trồng được gần 790ha và hơn 1,4 triệu cây phân tán. Trong khi đó, hiện nay huyện Sơn Hòa đã trồng được gần 660ha, vượt 260ha so với chỉ tiêu đề ra, tăng hơn 20% so với năm 2011. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Trong tổng số 660ha thì diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn Nhà nước chỉ có 234ha, tập trung ở các xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân và Ea Chà Rang. Còn lại là rừng trồng của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh 328ha và Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu 97ha, ở các xã Phước Tân, Sơn Hội, Sơn Hà, với loài cây keo lai cấy mô, dâm hom và tai tượng. Từ năm 2011-2015, huyện phấn đấu trồng mới 2.000ha rừng, bình quân 400ha/năm”.
Nguyên nhân chính dẫn đến trồng rừng không đạt chỉ tiêu đề ra là do các doanh nghiệp trồng rừng gặp nhiều khó khăn; thời tiết không thuận lợi; nguồn vốn cân đối của Trung ương cho các dự án trồng rừng từ ngân sách Nhà nước chỉ có 15 triệu đồng/ha/4 năm, trong khi đó vốn hỗ trợ của địa phương không có. Trên thực tế, trồng rừng phải đầu tư từ 30-35 triệu đồng/ha/4 năm do hiện trường trồng rừng ngày càng xa và chưa có đường giao thông. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh mới được thành lập nên chưa huy động được các nguồn thu từ dịch vụ môi trường, khai thác rừng trồng… để phục vụ cho việc trồng mới và chăm sóc rừng. Hiện nhiều địa phương đã kết thúc việc trồng rừng và chỉ còn hơn nửa tháng nữa là hết năm 2012 nên việc trồng mới rừng khó hoàn thành, mặc dù tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 36,8% của kế hoạch năm 2012.
KHAI THÁC GỖ GIẢM
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ khai thác được 11.500m3 gỗ rừng trồng, giảm hơn 40% so cùng kỳ năm 2011. Năm 2011, UBND tỉnh giao kế hoạch khai thác, sử dụng gỗ rừng tự nhiên 3.500m3, trong đó các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch 2.000m3 và Sông Hinh 1.500m3. Tuy nhiên, các đơn vị trên chưa hoàn chỉnh phương án điều chế rừng nên không thể thực hiện. Đến năm 2012, mặc dù được Bộ NN-PTNT phân bổ kế hoạch khai thác 4.000m3 gỗ rừng tự nhiên nhưng UBND tỉnh quyết định tạm thời không thực hiện nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên nên các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh và Sông Bàn Thạch không có thu nhập từ khai thác gỗ để hợp đồng lao động bảo vệ diện tích thuộc quy hoạch rừng sản xuất trên lâm phần được giao, trong khi tỉnh chưa có cơ chế hỗ trợ bảo vệ rừng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân lợi dụng đốt rừng làm rẫy hoặc trồng sắn, mía. Ông Phạm Ngọc Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT) cho biết, ngành đang xúc tiến xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Dự án đầu tư phát triển rừng, trình UBND tỉnh ban hành; xúc tiến xây dựng phương án điều chế rừng theo Thông tư 35/2012 của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ, hoặc chuyển sang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; triển khai thực hiện Dự án quy hoạch hệ thống rừng, vườn giống của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
PHƯƠNG NAM