Đến nay Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai được 3 mô hình trình diễn cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 40ha với gần 400 hộ tham gia. Theo kế hoạch, giai đoạn 2013- 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn khoảng 200ha.
Nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” ở xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) - Ảnh: H.NAM
LỢI NHUẬN CAO
Phú Yên là một tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với sản lượng lúa hàng năm đạt trên 340.000 tấn. Riêng diện tích sản xuất lúa 2 vụ chính trong năm gần 50.000ha, năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha/vụ, cao nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT về việc đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong trồng trọt, gắn với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua, chế biến nông sản; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và nhà nông trong chuỗi từ nghiên cứu, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ nông sản hàng hóa theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo một số địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa và trồng trọt bước đầu đạt kết quả tốt. Cụ thể, vụ hè thu năm 2012, tại các xã Hòa Trị (Phú Hòa), Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô 40ha, với 3 loại giống cấp xác nhận ML213, PY2, VND95-20, có 234 hộ nông dân tham gia. Kết quả, lợi nhuận bình quân toàn mô hình đạt hơn 16 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng so với ruộng đối chứng. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Trong vụ hè thu vừa qua, mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Hòa Trị có trên 100 hộ tham gia với diện tích 20ha. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% lượng giống gieo sạ, 30% phân, thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ứng dụng theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”. Mô hình này cho năng suất lúa 70tạ/ha, trong khi đó lúa sản xuất đại trà đạt trên 62 tạ/ha.
Theo đánh giá tổng kết mô hình cánh đồng mẫu lớn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trong sản xuất có sự tác động bất lợi về điều kiện thời tiết, nhưng do các giống lúa đưa vào sản xuất có những khả năng vượt trội so với các giống khác về đẻ nhánh, tính chống chịu sâu bệnh, số hạt trên bông nhiều, hạt lúa sáng nên năng suất vẫn vượt trội.
Tương tự, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) và HTX Nông nghiệp Hòa Thắng 2 (Phú Hòa). Theo đó, lợi nhuận bình quân toàn mô hình đạt hơn 15 triệu đồng/ha, tăng gần 5 triệu đồng so với ruộng đối chứng. Ông Trương Văn Tuấn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: “Ngoài lợi nhuận mang lại cao hơn lúa đối chứng, chất lượng gạo của mô hình qua phân tích cho thấy hạt gạo không có hàm lượng thuốc trừ sâu gốc, cũng không phát hiện các vi sinh vật gây hại và dư lượng các kim loại nặng”.
Ngoài các mô hình trên, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng miền Trung và Tây Nguyên triển khai mô hình cánh đồng mía thâm canh các giống cao sản tại xã Sơn Giang (Sông Hinh) trên diện tích hơn 10ha, với giống K88, bước đầu đạt kết quả tốt.
CẦN LIÊN KẾT CHẶT CHẼ 4 NHÀ
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Một thực tế trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Phú Yên là diện tích đất sản xuất lúa của nông dân có quy mô nhỏ, mỗi thửa trung bình từ 500-1.000m2, một cánh đồng 10ha có khoảng 100-200 hộ tham gia nên rất khó khăn trong việc chọn điểm, chọn hộ, tập huấn và quản lý. Hơn nữa, phần lớn nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, chưa chú trọng đến chất lượng lúa gạo và thị trường tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao chưa hình thành ổn định nên công tác tuyên truyền, vận động ban đầu gặp nhiều khó khăn. Mối liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ, thiếu doanh nghiệp tham gia vào đầu tư và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Điều kiện thời tiết, khí hậu trong các năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Chính sách sản xuất tập trung, dồn điền đổi thửa của Đảng, Chính phủ chưa được các địa phương và các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện…Qua mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn, bài toán cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, mía đã mang lại hiệu quả cao. Nếu sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ đạt mục tiêu sản xuất phát triển bền vững.
Để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, góp phần thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, theo Sở NN-PTNT trong giai đoạn từ năm 2013-2015, Phú Yên phấn đấu thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên khoảng 200ha, từng bước áp dụng cơ giới hóa hiện đại và đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp trồng trọt, ưu tiên tập trung thực hiện trên cây lúa và cây mía. Trong đó, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sau thu hoạch cho cây lúa thuần gạo chất lượng; có doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư phân bón đầu vào và bao tiêu sản phẩm lúa gạo tại huyện: TP Tuy Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, mỗi địa phương xây dựng 2-3 cánh đồng từ 10-50ha. Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sử dụng giống lúa lai, ứng dụng cơ giới khâu thu hoạch và phấn đấu có doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư phân bón đầu vào, bao tiêu sản phẩm lúa gạo tại các huyện: Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa và Đồng Xuân mỗi địa phương xây dựng 1-2 cánh đồng từ 5ha trở lên. Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn cây mía, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ (từ khâu làm đất, trồng, bón phân, làm cỏ) phấn đấu thử nghiệm cơ giới hóa khâu thu hoạch và có doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư phân bón đầu vào, bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu ổn định, hướng đến sản xuất bền vững tại các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân, mỗi huyện xây dựng 2-3 cánh đồng từ 10ha trở lên.
Việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn cần có sự liên kết chặt chẽ 4 nhà, đang thực sự cần thiết để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là hướng đi mới cho nông dân trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa và cây trồng khác, tạo ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
MẠNH HOÀI NAM