Thứ Sáu, 29/11/2024 06:35 SA
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Năm, 11/01/2007 14:50 CH

Sở Công nghiệp Phú Yên cho biết, trong năm 2006, ngành đã đào tạo nghề cho gần 600 lao động. Hầu hết những lao động này đều đã tìm việc làm và có thu nhập khá. Đáng kể là trong số đó có khoảng 400 lao động phổ thông chưa có tay nghề ở hai huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa.

 

070111-dan-gio.jpg
Nhờ vốn khuyến công, nhiều phụ nữ ở nông thôn, miền núi Phú Yên đã có việc làm ổn định, thu nhập khá - Ảnh: D.T.Xuân

 

Theo Trung tâm Khuyến công Phú Yên, 400 lao động trên được hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất sản phẩm mây tre lá xuất khẩu. Sau đào tạo, bước đầu đã giúp cho gần 40 lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Hòa có nghề và cho thu nhập từ 350.000 - 450.000 đồng/người/tháng. Tại huyện Sông Hinh, HTXSXKD hàng MTL xuất khẩu Tân Hòa Bình là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Còn Công ty TNHH Minh Mỹ đã đầu tư một xưởng sản xuất trên 300 triệu đồng và thuê một địa điểm ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) để phục vụ cho lao động trong thời gian học nghề và tiến đến tổ chức sản xuất lâu dài.

 

VUI BỤNG VÌ HỌC ĐƯỢC NGHỀ MỚI

 

Năm 2006 ngành công nghiệp Phú Yên vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 2.510 tỷ đồng, tăng 20,59% so với năm 2005. GDP công nghiệp tăng 23,73% và đã đưa tỷ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh từ 21,95% năm 2005 lên 22,58% ở năm 2006 này. Đặc biệt trong năm ngành đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, nhất là các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi với số lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tăng thêm 1.044 người so với năm 2005. Tỷ trọng lao động công nghiệp trong cơ cấu lao động toàn tỉnh tăng từ 8,1% ở năm 2005 lên 8,2% năm 2006, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từng bước đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới (WTO).

Suối Bạc là xã có số lượng lao động tham gia học nghề nhiều nhất với gần 150 người, trong đó có 40 lao động người dân tộc thiểu số. Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch xã, phấn khởi: “Đây là dự án mà chúng tôi mong đợi từ lâu vì hy vọng với nghề TTCN này, người dân trong xã có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Điều mừng hơn là Công ty TNHH Minh Mỹ đã chọn xã chúng tôi làm địa điểm sản xuất và lo thị trường đầu ra. Xã sẽ tạo mọi điều kiện để công ty mở rộng đầu tư cơ sở, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của xã hơn nữa, nhất là bà con dân tộc thiểu số”. Sô Nhuận ở buôn Suối Bạc (xã Suối Bạc) đang làm việc tại xưởng của công ty vui mừng thổ lộ: “Lâu nay chỉ quen với công việc làm rẫy nên những hôm đầu đi học nghề còn bỡ ngỡ và nắm bắt kỹ thuật chậm lắm. Nhưng chỉ qua 2 tuần đầu là quen thôi, giờ thì thành thạo rồi và cảm thấy rất thích làm nghề này vì khỏe hơn đi rẫy, mỗi tháng lại được công ty trả 350.000 đồng”. Còn Mí Tùng thì vui vẻ không kém: “Vì đã quen đan gùi, đan giỏ để đi rẫy nên mí tiếp thu nhanh hơn, sản phẩm làm ra cũng nhiều hơn nhưng chưa sắc sảo lắm. Được Nhà nước dạy cho cái nghề mới thật là mừng vì từ nay vào những tháng giáp hạt, nhà mí không sợ thiếu ăn nữa vì đã có tiền để chi tiêu rồi. Ngoài việc lên rẫy vào ban ngày, hiện mí được công ty cho nhận hàng về nhà đan và giao hàng đúng hẹn với thu nhập 350-400.000 đồng tùy tháng”.

 

THU NHẬP GẤP ĐÔI LÀM NÔNG

 

Một ưu điểm của nghề MTL xuất khẩu là giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cho lao động. Người lao động sau khi học nghề không phải lo lắng về vấn đề này mà chỉ tập trung vào việc tăng nhanh năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng thời gian quy định để tạo thu nhập cao cho gia đình. Nếu thu nhập của lao động chủ yếu từ nông nghiệp và được quy ra thóc thì thu nhập tối đa/năm của 1 lao động chỉ là 1.200.000 đồng, nhưng nếu tham gia SXTTCN thì thu nhập tối thiểu của 1 lao động/năm là 2.500.000 đồng. Tuy nhiên nếu sản xuất TTCN tại gia đình thì người lao động vẫn có thể đảm bảo được công việc đồng áng, do đó thu nhập từ nông nghiệp vẫn không bị mất đi mà thu nhập được tăng thêm trong khi tham gia nghề thủ công này hầu như không phải đầu tư cho chi phí sản xuất. Điều đó cho thấy nếu tạo thêm ngành nghề TTCN cho các xã nghèo vùng khó khăn thì sẽ cải thiện rõ rệt thu nhập của người lao động ở khu vực thuần nông. Đây cũng là nghề phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển TTCN đến năm 2010 của tỉnh vì mục tiêu của giai đoạn này là hình thành và phát triển nghề TTCN ở khu vực nông thôn gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở khu vực miền núi, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra cho ngành công nghiệp.

 

“Việc hình thành và phát triển nghề TTCN MTL vừa giúp cho người lao động có thêm thu nhập đồng thời vừa tạo điều kiện cho đơn vị hoạt động trong lĩnh vực SXKDMTLXK có được nhiều sản phẩm độc đáo tham gia xuất khẩu, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của DN ngày một tăng cao. Ngoài việc nhân rộng nghề MTL đến khắp các địa phương thì chúng tôi còn chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho người dân ở các làng nghề truyền thống như cói Phú Tân, gốm Hòa Vinh,… chuyển sang làm hàng mỹ nghệ để sản phẩm của những làng nghề không phải “quanh quẩn sau lũy tre làng” mà phải biết vươn lên tìm đến “biển lớn” hội nhập”. Ông Đào Tấn Cam - Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên nói như vậy.

 

BÍCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek