Thứ Sáu, 29/11/2024 07:38 SA
Duyên hải miền Trung:
Đón cơ hội đầu tư mới
Thứ Năm, 11/01/2007 08:16 SA

Sau các sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC, cuối năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở hội nghị về kêu gọi đầu tư vào vùng duyên hải Miền Trung. Năm 2007 vì thế, theo nhiều chuyên gia, được xem sẽ khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới vào khu vực này.

 

070111-Duyen-hai-mt-Hue.jpg

Các di tích, thắng cảnh ở miền Trung ngày càng thu hút du khách nước ngoài. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham gia di tích Cố đô Huế – Ảnh: NHẬT NGHIÊU

 

VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

 

Theo nhận định của giới doanh nghiệp, duyên hải miền Trung được xem là vùng đất giàu tiềm năng, với bờ biển kéo dài trên 1.000 km.  Có lợi thế địa lý lớn là nằm trên tuyến hành lang Đông Tây kéo dài từ biên giới Myanmar-Thái Lan-Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) tới cố đô Huế và từ đó tới Đà Nẵng.

 

Duyên hải miền Trung là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển du lịch lớn thông qua những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới, như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn… Tất cả những điểm mạnh đó đã tạo nên một “sản phẩm” đặc trưng cho khu vực này.

 

Bên cạnh đó, đây là khu vực nhân lực dồi dào, nhưng thực tế vẫn chưa khai thác hết những điểm mạnh sẵn có, để phát huy và tạo sức bật phát triển.

 

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đánh giá về chất lượng cơ sở hạ tầng của khu vực này, có thể khẳng định rằng, tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng duyên hải miền Trung đang trên đà phát triển nhanh chóng, nhiều sân bay, cầu cảng đã và đang được đầu tư nâng cấp mạnh, như: Sân bay quốc tế Đà Nẵng  và các sân bay: Chu Lai (Quảng Nam), Tuy Hoà (Phú Yên), Phù Cát (Bình Định), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế); các cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cam Ranh (Khánh Hoà)… Hiện tại, hầu hết các tuyến hầm, cầu, đường trên hành lang này đã được nâng cấp và có thể thông xe thuận lợi từ Myanmar-Thái Lan-Lào vào Việt Nam, tạo điều kiện cho khu vực phát triển thương mại, du lịch và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài nguyên trong vùng.

 

CƠ HỘI MỚI

 

070111-Duyen-hai-MT.jpg

Tàu du lịch quốc tế cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Tính đến thời điểm này, toàn khu vực duyên hải miền Trung (trong đó bao gồm 5 địa phương kinh tế trọng điểm) đã thu hút được 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD, bằng 17% tổng vốn FDI khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, bằng 8% so với khu vực phía Nam và chỉ bằng 4,7% so với tổng vốn FDI của cả nước.

 

Theo dự đoán, gia nhập WTO, Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn trong việc chào đón những làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực duyên hải miền Trung cũng không nằm ngoài những cơ hội đó. Từ năm 1988 đến năm 2006, 8 địa phương khu vực duyên hải miền Trung đã thu hút 396 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 8,8 tỷ USD. Theo thứ tự nguồn vốn đầu tư là: Thừa Thiên Huế (2,245 tỷ USD), Bình Định (2,165 tỷ USD), Quảng Ngãi (1,624 tỷ USD), Đà Nẵng (1,12 tỷ USD), Phú Yên (1,05 tỷ USD), Quảng Nam (457 triệu USD), Khánh Hoà (74,1 triệu USD) và Ninh Thuận (63,36 triệu USD). Nếu xét cả 18 năm thì con số 8,8 tỷ USD còn quá “khiêm tốn” đối với vùng kinh tế đầy tiềm năng này. Song nhìn vào dòng vốn FDI “chảy vào” miền Trung trong vòng 2-3 năm (cả về số dự án lẫn tổng vốn đầu tư) thì nó mang tín hiệu đầy lạc quan. Ông Lê Hữu Quang Huy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH&ĐT) cho biết: Nếu như năm 2005 vốn FDI tăng 400% so với năm 2004, thì 10 tháng đầu năm 2006 vốn FDI tăng 200% so với năm 2005 và tăng 800% so với 2004. 

 

Kết quả đạt được chính là sự ra đời của 5 khu kinh tế: Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội và Vân Phong, với những cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, ưu đãi vượt trội, cùng với thế mạnh và thuận lợi của thành phố Đà Nẵng bước đầu đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào vùng duyên hải miền Trung.

 

CẦN CÓ SỰ LIÊN KẾT

 

070111-Duyen-hai-mien-Trung.jpg

Máy bay thương mại chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh

Các tỉnh duyên hải miền Trung có tiềm năng khá tương đồng về đất đai, nguồn lao động, những cơ chế thu hút đầu tư vượt trội, hệ thống giao thông, cảng biển... Tuy nhiên, để bứt phá trong việc thu hút FDI các tỉnh duyên hải miền Trung cần có sự liên kết vùng, để phát triển. Trong đó thành phố Đà Nẵng và 5 khu kinh tế trọng điểm sẽ là “điểm nhấn” chào mời các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư vào khu vực này.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng: Theo chúng tôi, các tỉnh DHMT cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ, xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển bền vững.

 

Các tỉnh miền Trung đã công bố danh mục gần 400 cơ hội đầu tư với tổng vốn kêu gọi khoảng 7 tỷ USD. Cộng với vốn kêu gọi của các dự án cấp quốc gia tổng cộng khoảng hơn 16 tỷ USD. Như vậy bình quân mỗi năm khu vực này phấn đấu thu hút khoảng hơn 5 tỷ USD.

 

Các tỉnh nên hoàn chỉnh các danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với tiềm năng từng tỉnh và với nhu cầu các nhà đầu tư cũng như với quy hoạch phát triển chung của cả vùng. Nên tăng cường xúc tiến đầu tư với các hình thức mới phù hợp, nên chú trọng xúc tiến với các nước có tiềm lực kinh tế mạnh và có công nghệ nguồn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, và các đối tác đầu tư truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc.

 

Bên cạnh đó 8 tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, trước hết là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí gia nhập thị trường.

 

Các tỉnh cần có tiếng nói chung, tránh sự chồng chéo và cần có sự liên kết vùng để tạo ra được các điểm nhấn về đầu tư. Trong chính sách đầu tư nói chung cần thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong đó, cần quan tâm đến đầu tư nước ngoài, vì từ đây có khoa học, công nghệ cao, với quy mô lớn, thúc đẩy hệ thống kinh tế phát triển nhanh...

 

Với sự hợp tác chặt chẽ, vì mục tiêu phát triển chung của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung, hy vọng rằng FDI sẽ vào miền Trung mạnh hơn nữa, qua đó thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế tiềm năng này.

 

NHẬT NGHIÊU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek