Hiện nay, các HTX nông nghiệp trong tỉnh vận động xã viên thực hiện việc cày ải, vệ sinh đồng ruộng tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là tình trạng chuột sẽ sinh sôi phát triển, cắn phá lúa.
Nông dân huyện Phú Hòa cày ải tiêu diệt mầm bệnh - Ảnh: H.NAM
CÀY ẢI SỚM, TIÊU DIỆT MẦM BỆNH
Một tháng trước khi vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2012-2013, Sở NN-PTNT Phú Yên yêu cầu các HTX nông nghiệp trong tỉnh vận động nông dân tập trung cày ải, phơi đất trước khi gieo sạ. Vì sau khi thu hoạch lúa hè thu 2012, qua một thời gian đồng ruộng bỏ hoang, lúa tái sinh mọc dày là cầu nối gây sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân. Việc cày ải sớm để vùi gốc rạ khử chua đồng ruộng, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đồng thời diệt mầm bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Tại huyện Phú Hòa, đến nay các HTX nông nghiệp đã vận động xã viên cày ải, vệ sinh đồng ruộng với diện tích khoảng 5.000ha. Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Nông dân rất có ý thức trong khâu làm đất, cày ải, vệ sinh đồng ruộng, đến nay, trên 80% diện tích đã được cày ải. Việc xuống giống sẽ đúng lịch thời vụ để tránh gặp thời tiết bất lợi trong gieo sạ cũng như thời kỳ thu hoạch”.
Đến thời điểm này, nông dân huyện Đông Hòa cũng đã cày ải khoảng 4.653ha. Theo Chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Tây 2 Nguyễn Đình Nhu, năng suất lúa hè thu vừa qua đạt 70 tạ/ha là nhờ nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ, sử dụng cơ cấu giống lúa phù hợp với chân đất từng xứ đồng; gieo sạ đồng loạt theo từng vùng, thực hiện sạ hàng, sạ thưa hợp lý, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Bài học này sẽ được các HTX chỉ đạo cho bà con áp dụng trong vụ sản xuất đông xuân này.
Cùng với huyện Phú Hòa, Đông Hòa, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương cày ải, cải tạo đất chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều chân ruộng đang thiếu nước, nhất là ở xứ đồng cao nên ảnh hưởng tiến độ làm đất. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT phân tích: “Qua kinh nghiệm sản xuất vụ đông xuân 2011-2012 cho thấy, nhiều địa phương, nông dân còn gieo sạ quá dày, lượng giống gieo sạ 180-200 kg/ha, sử dụng quá nhiều giống lúa trong cùng xứ đồng, chất lượng hạt giống chưa đạt tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân làm ruộng lúa dễ nhiễm sâu bệnh, dễ đổ ngã, năng suất thấp, chi phí sản xuất tăng”.
Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2012-2013 xuống giống từ ngày 20/12/2012 đến 10/1/2013; từng địa phương, từng vùng nên có cơ cấu giống phù hợp để có thể tránh thời tiết bất lợi và sâu, bệnh gây hại. Bên cạnh đó, công tác phòng, trừ dịch bệnh, sâu hại lúa phải theo dõi chặt chẽ theo diễn biến thời tiết, khí hậu, sinh trưởng phát triển của cây lúa để có giải pháp chủ động quản lý và phòng, trừ kịp thời không để phát sinh thành dịch.
TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP DIỆT CHUỘT
Lo ngại lớn nhất của các HTX nông nghiệp là vụ đông xuân năm nay sẽ đối mặt với nạn chuột cắn phá từ khi cây lúa vừa ra lá non. Ông Nguyễn Đức Thượng (ở xã Xuân Quang 2, Đồng Xuân) cho hay: “Gần đây, tôi đi sông thả lưới bắt cá vào buổi tối thường thấy chuột chạy đầy bờ mương. Nếu không đồng loạt ra quân diệt chuột thì chúng sẽ cắn phá lúa”.
Giải pháp đầu tiên cứu lúa khỏi bị chuột cắn, ngoài việc dùng thuốc, bà con nông dân thường tranh thủ lấy nước vào ruộng ngăn chuột từ bờ bò vào. Nhiều nông dân dùng nilon ngăn bờ và cắm xung quanh ruộng gây tiếng động nhằm hạn chế chuột cắn phá, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng chuột cắn lúa. Lo ngại nhất hiện nay ở các xã An Lĩnh (Tuy An), Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) là do hầu hết diện tích sản xuất lúa đông xuân chủ yếu dựa vào nước trời, khi dứt mưa ruộng thiếu nước nên không ngăn được chuột vào ruộng.
Còn tại các xã Bình Kiến, Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), nhiều diện tích lúa của các địa phương này nằm dọc theo tuyến tránh quốc lộ 1, là nơi chuột “nằm vùng”. Ông Nguyễn Đồng Minh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Kiến 3 cho biết: “HTX đã triển khai cho xã viên đồng loạt ra quân diệt chuột, và để khuyến khích phong trào diệt chuột, HTX đã trích một phần kinh phí khuyến nông thu mua đuôi chuột”. Theo bà Nguyễn Thị Lơn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, diệt chuột phải được thực hiện xuyên suốt và bằng nhiều biện pháp như dùng tró, thuốc… Trước khi vào đầu vụ sản xuất, nông dân toàn thành phố ra quân diệt chuột, tuy nhiên do địa hình phức tạp, không tiến hành đồng bộ nên chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác.
Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, thời gian qua nhiều địa phương đã triển khai mô hình bẫy cây trồng, một phương pháp diệt chuột hiệu quả. Ruộng đặt bẫy cây trồng được đào mương, dùng bao nilon bao quanh ruộng lúa và đặt bẫy, ruộng gieo sạ trước 17 ngày. Kết quả cánh đồng làm bẫy cây trồng chuột cắn phá muộn hơn, tỉ lệ hại thấp hơn 15 lần, diện tích cắn phá giảm hơn 7 lần so với cánh đồng không làm bẫy.
MẠNH HOÀI NAM