Liên kết “4 nhà” triển khai mô hình “Cánh đồng mía mẫu lớn” đang được Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Long Vina (Công ty Hoàng Long Vina) chủ công phối hợp với một số doanh nghiệp, ban, ngành triển khai ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Mục tiêu của Công ty Hoàng Long Vina khi thực hiện mô hình này là không chỉ hướng đến chinh phục thị trường phân bón rộng lớn trong tỉnh mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Khảo sát giống mía phục vụ cho mô hình cánh đồng mía mẫu lớn tại huyện Sơn Hòa - Ảnh: N.XUÂN
Mới đây, Công ty Hoàng Long Vina phối hợp với chính quyền 2 xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) và Ea Ly (Sông Hinh) cùng một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai mô hình “Cánh đồng mía mẫu lớn”, trong niên vụ 2012-2013. Theo đó, các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng cơ giới hóa, sử dụng giống mới, phân bón hợp lý và biện pháp canh tác tiên tiến gắn liền với thu mua, chế biến sản phẩm. Cánh đồng có diện tích khoảng 10ha, liền vùng, liền thửa; sử dụng các giống mía K95-84, K95-156, K88-65, được cơ giới hóa đồng bộ các khâu: làm đất, trồng; sử dụng bón phân phù hợp với chất đất và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng mía, giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc công ty Hoàng Long Vina cho biết: “Hiện công ty đã có trên 300 đại lý cấp 1, phân phối sản phẩm phân bón tại các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; doanh số bán hàng năm 2012 tăng 100% so với năm 2011. Tuy nhiên, tại “sân nhà” thì chưa được nhiều người biết đến thương hiệu Agrilong (nhãn hiệu sản phẩm phân bón của công ty). Do vậy, chúng tôi đang hướng đến thị trường địa phương bằng cách cung cấp sản phẩm trực tiếp đến tay người nông dân với giá ưu đãi hơn nhờ giảm các khâu trung gian như hoa hồng đại lý, chi phí vận chuyển, kho bãi”. Để cung cấp phân bón trong mô hình “Cánh đồng mía mẫu lớn” đạt hiệu quả, Công ty Hoàng Long Vina đã phối hợp với Viện Nghiên cứu thổ nhưỡng Việt Nam lấy mẫu đất ở khu vực triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” phân tích thành phần, hàm lượng dinh dưỡng và thuê tư vấn xây dựng công thức sản xuất phân bón phù hợp; tạo loại phân bón riêng từng loại đất để cung ứng cho người dân tham gia mô hình. Đồng thời, công ty cũng cam kết cung cấp phân bón với giá gốc, hỗ trợ 30% giá phân NPK và 100% lãi suất đến cuối vụ cho các hộ nông dân thực hiện mô hình; hỗ trợ 100% giá trị thuốc bảo vệ thực vật (nếu có sâu bệnh); hỗ trợ chi phí tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết mô hình... “Nếu mô hình thành công, chúng tôi sẽ sử dụng công thức này để tạo ra sản phẩm phù hợp cung ứng cho thị trường trong tỉnh, giúp người nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất” - ông Phong cho biết thêm.
Để thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng mía mẫu lớn”, Công ty Hoàng Long Vina còn liên kết hợp tác với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các khâu: Cơ giới hóa, cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua, bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam cho mượn toàn bộ máy móc trong triển khai mô hình và cử cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành các loại máy cơ giới. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chịu trách nhiệm cung cấp giống mía, hỗ trợ 100% lãi suất đến cuối vụ thu hoạch; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu toàn bộ mía nguyên liệu của mô hình và đầu tư cho các hộ tham gia mô hình một số chi phí theo định mức của đơn vị.
Theo ông Phạm Văn Thi, đại diện Cục Trồng trọt vùng miền Trung - Tây Nguyên, đến năm 2015, Chính phủ gỡ bỏ hàng rào xuất nhập khẩu theo lộ trình gia nhập WTO thì chắc chắn sản xuất mía đường sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với đường ngoại nhập. Do vậy, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, doanh nghiệp thu mua sản phẩm và người nông dân cần phải liên doanh liên kết, xây dựng chính sách hợp lý cắt giảm chi phí trung gian để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư; giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với các sản phẩm đường ngoại nhập. Việc liên kết “4 nhà” xây dựng mô hình “Cánh đồng mía mẫu lớn” nhằm tạo ra sản phẩm có giá thành hạ, tăng hiệu quả là hướng đi đúng cần được nhân rộng.
NGÔ XUÂN