Nhiều năm nay, người dân thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) phải sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo vì những cơn sóng dữ liên tục ập vào bờ. Mùa biển động năm nay, triều cường lại tiếp tục đe dọa tính mạng, đất đai, nhà cửa của người dân nơi đây.
Nhà bà Phạm Thị Quệ ở thôn Hòa An bị gió bão và triều cường tàn phá - Ảnh: L.HẢO
SÓNG DỮ THÌ CHẠY, SÓNG ÊM… LẠI VỀ
Theo ông Huỳnh Hồng Phong (64 tuổi) ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, sống ở đây, năm nào mọi người cũng phải lo chuẩn bị để sẵn sàng “chạy” sóng. Nhẹ thì dời đi ở ké nhà hàng xóm 1, 2 ngày rồi về; nặng thì bứt móng, sập nhà, không còn ở được nữa. Ông Phong cho biết: “Năm 2005, triều cường lên cao kết hợp với gió mạnh, ăn sát móng nhà tôi, lấy đi cả chục tấm tole. Năm 2009, bão đổ bộ vào, phần nhà phía sau bị đổ sập, chúng tôi đành che tạm lại để chứa củi chứ không dám ở nữa”.
Nhà bà Huỳnh Thị Hồng Hoài và ông Lê Văn Sinh cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi triều cường. Bà Hoài tâm sự: “Vợ chồng tôi có hai con nhỏ. Hàng ngày, chồng đi bạn, tôi ở nhà làm lưới, cuộc sống gia đình rất chật vật. Mỗi lần biển động, hai vợ chồng đều lo ngay ngáy, nghe đài báo bão sắp đến là ẵm con đi ở nhờ ngay. Biết là bất tiện nhưng không thể làm khác hơn được!” Mùa biển động năm nay, gia đình bà Phạm Thị Thua đã phải vay mượn tiền hàng xóm để gia cố móng nhà. Bà Thua cho biết: Nhà có 6 người. Mùa “động”, biển “đói” là cả nhà cũng thiếu ăn theo. Mấy năm trước, triều cường dâng lên sát chân móng, một góc nhà bị sập, đến nay, chúng tôi mới sửa chữa lại được.
Theo ông Huỳnh Tấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cứ đến mùa mưa bão, triều cường và gió giật mạnh, ăn sâu đất liền hàng chục mét. Một số hộ dân bỏ tiền ra chất kè bằng bao cát nhưng cũng chẳng ăn thua, mỗi khi có sóng lớn mọi thứ lại bị cuốn phăng ra biển. Người dân sống ở đây luôn nơm nớp lo âu, thức trắng nhiều đêm để canh từng con sóng. Nhiều đợt mưa bão, chính quyền phải huy động đoàn thanh niên và dân quân khẩn cấp di dời “trắng” vùng bị ảnh hưởng triều cường.
KIÊN QUYẾT DI DỜI DÂN
Khu vực bị sạt lở do triều cường ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa có 34 hộ dân. Theo quy định, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí di dời đến nơi ở mới. Hiện TX Sông Cầu đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư cho cả hai thôn Hòa Phú, Hòa An, xã Xuân Hòa nhưng chỉ mới có hai hộ dân vào xây dựng nhà ở, 32 hộ còn lại vẫn quyết định “sống chung” với triều cường. Bà Phạm Thị Thua lý giải: Số tiền Nhà nước hỗ trợ quá ít ỏi, không đủ để chúng tôi làm lại nhà ở khu tái định cư, huống chi còn phải lo sinh kế lâu dài. Thêm nữa, diện tích đất cấp cho mỗi hộ ở khu tái định cư đều nhỏ hơn diện tích nhà và đất ở hiện tại, nếu buộc phải di chuyển đi, chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi. Còn ông Nguyễn Văn Chính, cũng ở thôn Hòa An cho hay: Người dân ở khu vực này đều biết sống chung với triều cường là nguy hiểm nhưng bao đời bám biển làm ăn, ghe thuyền, ngư lưới cụ đều để ở đây, giờ tính đến chuyện di dời cũng khó. Khu tái định cư của xã được xây dựng ở đầu thôn, nếu dời đi, chẳng may mưa bão đến bất ngờ, bà con có muốn giữ tài sản cũng không được. Theo tôi, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng những bờ kè chắc chắn, một mặt để giữ được đất, mặt khác tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định.
Chủ tịch xã Xuân Hòa Huỳnh Tấn Anh cho biết: Xã đã giải thích, vận động từng hộ gia đình ký cam kết di dời nhà đến khu tái định cư. Người dân mong chính quyền tăng mức hỗ trợ để họ có thêm tiền xây nhà; đồng thời đề nghị xã chỉ thu hồi đất ở, để lại đất trồng cây lâu năm cho dân. Khi di chuyển đến nơi ở mới, người dân cũng muốn giữ lại nhà cũ để ngư lưới cụ cho tiện việc làm ăn. Theo ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, ở khu tái định cư, chính quyền sẽ giao quyền sử dụng đất và không thu tiền của người dân. Mặc dù người dân còn nhiều đắn đo nhưng UBND TX Sông Cầu và xã Xuân Hòa kiên quyết di dời các hộ gia đình đến nơi ở mới để đảm bảo tính mạng, tài sản cho dân.
VIỆT AN