Mấy năm gần đây, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm rẫy trên địa bàn huyện Sơn Hòa diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình này UBND huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời tổ chức cưỡng chế và thu hồi đất lấn chiếm để trồng lại rừng hoặc cho rừng tái sinh tự nhiên.
Phá rừng trồng sắn ở huyện miền núi Sơn Hòa (ảnh chụp năm 2010) - Ảnh: A.NGỌC
PHÁ BỎ HOA MÀU TRỒNG TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP
Ngay từ đầu năm, UBND huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai lập kế hoạch cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm; đồng thời tăng cường hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương.
Đến nay, nhiều xã ở huyện Sơn Hòa đã tổ chức cưỡng chế, phá bỏ hoa màu trồng trên diện tích đất rừng lấn chiếm trái phép. Tại xã Sơn Phước, UBND xã đã phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai tổ chức cưỡng chế phá bỏ 11.700m2 hoa màu (sắn, mía, bắp) tại các khu vực Hòn Nhọn, Suối Đóng, Hóc Bà Túi thuộc các tiểu khu 179, 184 và 185. Tại xã Sơn Hội, có khoảng 120.000m2 thuộc các khu vực Đá Chát, Suối Trầu là đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng sắn. UBND xã Sơn Hội đã tổ chức cưỡng chế nhổ bỏ hơn 95.300m2 cây sắn, số diện tích vi phạm còn lại sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 12 này. Trên địa bàn xã Sơn Nguyên, UBND xã đã tổ chức cưỡng chế phá hủy một lán trại, phá bỏ 26.800m2 mía trồng do lấn chiếm đất rừng ở tiểu khu 194 thuộc hai khu vực Hòn Lầu và Hòn Đát. Theo ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, hiện còn 11 lán trại và gần 4ha mía tại khu vực Hòn Lầu chưa tổ chức cưỡng chế vì đất này không phải do xã quản lý nên đã kiến nghị UBND huyện có hướng chỉ đạo.
Đối với địa bàn xã Sơn Xuân, số diện tích lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng làm rẫy khoảng 35.000m2, tập trung chủ yếu ở khu vực Bến Đương, Bà Cửu, Suối Cái. UBND xã Sơn Xuân đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi gần 6.000m2 đất và nhổ bỏ toàn bộ các loại cây sắn, mía trồng trên diện tích lấn chiếm trái phép này. Còn tại xã Suối Trai, UBND xã kết hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai tổ chức cưỡng chế phá bỏ hơn 18.000m2 hoa màu do lấn chiếm đất rừng thuộc các tiểu khu 218 và 219. Tuy nhiên, theo UBND xã Suối Trai đến nay người dân đã lén lút trồng lại hoa màu trên diện tích khoảng 10.300m2 đất đã cưỡng chế. Tại xã Suối Bạc, từ đầu năm đến nay UBND xã đã tổ chức hai đợt cưỡng chế phá bỏ các loại cây trồng (sắn, mía, lúa rẫy) đối với những diện tích do phá rừng để làm rẫy. Có 7 thửa đất đã cưỡng chế thu hồi với diện tích 30.820m2, tập trung chủ yếu ở tiểu khu 213, phía đông núi Hòn O và phía tây nam hồ chứa nước Suối Vực. Ông Phan Thế Lựu, Chủ tịch UBND xã Suối Bạc cho biết: “Tình trạng phá rừng làm rẫy trên địa bàn xã diễn ra phức tạp cần phải áp dụng biện pháp xử lý mạnh nhằm răn đe, giáo dục chung. Đảng ủy và UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể ở xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng…”.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG
Để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn củng cố và kiện toàn ban chỉ huy, tổ công tác liên ngành về các vấn đề cấp bách để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Các xã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng trên các khu rừng trọng điểm như Hòn Lầu, Hòn Đát, Hố Cối, Tam Hiệp (xã Sơn Nguyên), Trà Lung, Hố Thẩm (xã Sơn Phước), rừng đầu nguồn Suối Cái, Hòn Tơ, Hòn Cộng, Lỗ Vàng, Kiều Kiều (xã Sơn Xuân), Đá Chát, Suối Trầu, Dốc Quanh (xã Sơn Hội), Dốc Đá, Ruộng Cửa (xã Sơn Định), Dốc Lách, Bầu Truông, Suối Tim, Phường Mới (xã Sơn Long) và các khu vực rừng ở các xã Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai; kiên quyết và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo, nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra điểm nóng về phá rừng làm rẫy, những hành vi vi phạm về khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép thì người đứng đầu địa phương, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Việc cưỡng chế phá bỏ hoa màu trên đất rẫy do phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp là biện pháp tức thời, chưa mang tính bền vững. Về lâu dài, UBND huyện Sơn Hòa xây dựng một kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững hơn, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư. Đồng thời phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, Ban Quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Huyện cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, nắm tình hình những khu vực, địa phương thường xảy ra phá rừng, khai thác và tập kết lâm sản trái phép; chỉ đạo tăng cường chốt chặn trên các tuyến đường thường xảy ra vận chuyển lâm sản trái phép như quốc lộ 25, tuyến đường xã Phước Tân đi Hòa Đa (Tuy An), tuyến đường ĐT646, tuyến đường từ xã Sơn Hà đi xã Sơn Long về TP Tuy Hòa.
ANH NGỌC