Thứ Hai, 25/11/2024 22:14 CH
Hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch trồng sắn
Thứ Năm, 29/11/2012 13:00 CH

Cây sắn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, tuy nhiên việc phát triển ồ ạt cây trồng này để lại nhiều hệ lụy. Đó là hệ quả của lấn chiếm đất rừng trồng sắn dẫn đến mất rừng; đồng thời sản lượng tăng nhanh vượt quá năng lực chế biến của các nhà máy nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân chịu lỗ. Đáng lo ngại là hiện nay bệnh chổi rồng phát triển mạnh, nếu không quan tâm đầu tư giống mới thì bệnh bùng phát gây thiệt hại về kinh tế.

 

san-121129.jpg

Nông dân xã Sơn Thành Đông (Tây Hòa) thu hoạch sắn - Ảnh: H.NAM

DIỆN TÍCH SẮN TĂNG VỌT

 

Cũng như các huyện miền núi khác, tại huyện Sơn Hòa, dù cây sắn không phải là cây trồng được khuyến khích nhưng do giá sắn có thời điểm tăng cao 2.400-2.500 đồng/kg nên nhiều nông dân trong huyện đã đổ xô trồng sắn. Nếu như năm 2010, diện tích sắn của huyện chỉ có 1.500ha thì năm 2011 đã tăng lên 2.600ha, đến năm 2012, giá sắn giảm nhưng cây sắn vẫn chiếm diện tích hơn 2.040ha.

 

Tương tự, huyện Sông Hinh hiện có 6.250ha sắn, trong khi đó theo quy hoạch diện tích trồng sắn của huyện ổn định từ 3.000 - 3.500ha. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Diện tích trồng sắn tăng nhanh do phù hợp với tập quán canh tác đồng bào dân tộc thiểu số là dễ trồng, cây sắn chịu hạn tốt, đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc. Diện tích cây sắn được mở rộng thời gian qua chủ yếu do người dân tận dụng đất hoang và lấn chiếm đất rừng”.

 

Dọc theo quốc lộ 29, qua các xã Sơn Giang, Đức Bình Tây, Ea Trol, sắn không chỉ trồng trên đất bỏ hoang trước đây mà còn trồng xen kẽ rừng và leo lên tận các đỉnh đồi núi. Ông Trần Thanh Định cho biết thêm: Số diện tích lấn chiếm đất rừng trồng sắn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành thu hồi khôi phục trồng rừng, tuy nhiên việc thu hồi gặp khó khăn do nông dân cứ tiếp tục trồng sắn.

 

LO NGẠI BỆNH CHỔI RỒNG

 

Bệnh chổi rồng hiện gây hại trên cây sắn tập trung ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và Tuy An với tỉ lệ cây sắn bị bệnh 5-6%; cá biệt có vùng tỉ lệ hại 30-60%. Trong niên vụ vừa qua, có thời điểm bệnh chổi rồng gây hại hơn 300ha trên giống KM 94 và giống KM 140. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh chổi rồng lây lan là nông dân thường trao đổi hom giống qua lại để trồng, dẫn đến giống nhiễm bệnh từ vùng này lan sang vùng khác.

 

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các huyện phối hợp với các nhà máy chế biến tinh bột sắn và ngành Bảo vệ thực vật tăng cường quản lý vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, tuyệt đối không để nông dân sử dụng cây sắn bị bệnh làm giống trồng vụ mới. Tuy nhiên yêu cầu trên chưa được các đơn vị cũng như chính quyền địa phương thực hiện triệt để. Ông Nguyễn Hòa, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Sơn Hòa cho biết: “Để ngăn chặn bệnh chổi rồng, bên cạnh vận động nông dân không trao đổi giống sắn nhiễm bệnh để trồng, các nhà máy, các ngành phải đưa giống mới vào sản xuất mới hy vọng phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững. Còn ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, khi sắn bị bệnh chổi rồng, năng suất giảm 10-30% và hàm lượng tinh bột giảm khoảng 20%.

 

TĂNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NHÀ MÁY

 

Theo thống kê của Ban điều hành mía đường sắn Phú Yên, diện tích sắn của tỉnh trong niên vụ 2011-2012 đã lên đến 22.700ha, vượt so với quy hoạch gần 9.500ha, với sản lượng 408.600 tấn. Trong khi đó, 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh là Nhà máy Tinh bột sắn FOCOOCEV Sông Hinh và Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân chỉ thu mua, chế biến được 309.307 tấn. Với diện tích và sản lượng sắn tăng ồ ạt không theo quy hoạch, không tương xứng với năng lực chế biến của các nhà máy, trong khi thị trường tiêu thụ khó khăn, giá sắn giảm và không có cơ chế ràng buộc giữa các nhà máy với nông dân thì phần thiệt hại sẽ thuộc về người trồng sắn. Đó là điệp khúc “mất mùa được giá, được mùa mất giá” tiếp diễn với người trồng sắn. Năm 2011, sắn được giá, nông dân đổ xô trồng thì bước sang đầu năm 2012, người dân khốn đốn vì sắn rớt giá.

 

Theo Ban điều hành Chương trình mía đường sắn Phú Yên, giá mua sắn niên vụ 2011-2012 giảm so với vụ trước. Cụ thể Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOOCEV Sông Hinh mua bình quân cả vụ tại nhà máy 1.545 đồng/kg (27,6% độ bột), giảm 30% so với vụ trước; Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân mua bình quân cả vụ 1.840 đồng/kg (27,1% độ bột), giảm hơn 32% so với vụ trước.

 

Có những thời điểm tại Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, hàng trăm xe tải trọng lớn xếp hàng nối đuôi trước nhà máy để chờ đưa sắn vào nhà máy. Nhiều xe nằm 2-3 ngày, đến khi giao thì sắn bị hư, bị trừ tạp chất cao. Ông Thái Văn Sáu, một nông dân xã Xuân Phước (Đồng Xuân), chở sắn bán cho nhà máy than thở: “Khổ lắm, để sắn ngoài đồng thì không được vì phải giải phóng đất nên đành liều thu hoạch. Nhưng thuê xe chở sắn đến đây phải xếp hàng chờ, nản lắm!”. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Tuấn Toàn, Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: “Thị trường xuất khẩu sắn chủ yếu là Trung Quốc. Thị trường này luôn biến động mạnh, khó lường. Năm nay, lượng sắn của nông dân tăng lên rất nhiều, cung vượt cầu, nên khó có thể giải quyết được”.

 

Cũng theo Ban điều hành mía đường sắn, trong niên vụ 2011-2012, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh đầu tư vùng nguyên liệu không đáng kể chỉ chiếm 3% diện tích quy hoạch, trong đó Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOOCEV Sông Hinh đầu tư 220ha và Nhà máy Sản xuất Tinh bột sắn Đồng Xuân đầu tư 70,2ha. Qua đó cho thấy các nhà máy chưa gắn bó với nông dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho rằng: Để nông dân yên tâm trồng sắn, các nhà máy phải ký kết hợp đồng với người trồng sắn trong vùng nguyên liệu. Việc ký hợp đồng nhằm tăng trách nhiệm của nhà máy trong việc bao tiêu sản phẩm; qua đó hạn chế phần nào thiệt hại cho người trồng sắn khi thị trường biến động.

 

Để giải quyết tình trạng này, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sắn tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Trưởng đoàn kiểm tra đã yêu cầu các nhà máy phối hợp với các địa phương có kế hoạch thu mua hết sản lượng sắn vụ 2011-2012, ưu tiên thu mua trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch với giá cả hợp lý, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.

 

HOÀI NAM - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek