Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận chủ trì được triển khai 3 năm qua đã phát huy tác dụng thiết thực. Tuy nhiên, để hàng Việt đến với người Việt ngày càng sâu rộng, bền vững hơn, còn nhiều việc phải làm.
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương (thứ hai, từ trái qua) tìm hiểu tình hình tiêu thụ hàng Việt tại Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: H.CHƯƠNG
NHỮNG KẾT QUẢ KHÍCH LỆ
Theo ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, sau 3 năm triển khai, nét nổi bật là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất theo xu hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được lợi ích của việc dùng hàng nội địa. Cuộc vận động đã gắn kết chặt chẽ với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Một số cơ chế, chính sách được hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh thực hiện tốt chức năng chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh đã chủ động tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người tiêu dùng và trách nhiệm của các doanh nghiệp. UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại; tổ chức nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân có cơ hội tìm hiểu, mua sắm.
Thông qua các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tổ chức trong 3 năm qua, người tiêu dùng ở các nơi trong tỉnh ngày càng tiếp cận nhiều hơn với nhiều loại hàng hóa đảm bảo chất lượng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá cả phù hợp. Ông Lê Văn Tài ở xã Ea Ly (Sông Hinh) cho biết: Nhờ có chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tôi mới biết nhiều đồ tiêu dùng do người mình làm ra chất lượng không hề thua kém đồ ngoại nhập, giá cả lại vừa phải. Quan trọng hơn là khi mua hàng do chương trình tổ chức, tôi không sợ mua phải hàng nhái, hàng giả. Còn bà Trần Thu Hà (phường 7, TP Tuy Hòa) nhận xét: Tôi hay vào siêu thị Co.opMart Tuy Hòa và thấy ở đây bán nhiều hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, chất lượng không thua kém gì so với hàng Thái Lan, Nhật Bản. Vì thế, khi cần là mua về dùng ngay. Trước kia, tôi cũng có xài hàng Trung Quốc nhưng dần nhận ra rằng tuy giá rẻ nhưng chất lượng kém xa hàng Việt Nam và còn độc hại nữa…
CƠ QUAN, CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN NÊU GƯƠNG DÙNG HÀNG VIỆT
Làm gì để người Việt dùng hàng Việt ngày càng trở nên phổ biến hơn? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bá Thanh Kia cho rằng: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng gắn với hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh; các cơ quan chức năng phải làm tốt công tác quản lý thị trường, phòng chống thật sự hiệu quả sự thâm nhập của hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Có biện pháp gắn kết thích hợp và thiết thực nội dung của cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở. Cán bộ, đảng viên, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp phải đi đầu, làm gương trong sử dụng hàng Việt để quần chúng nhân dân nhìn vào mà làm theo. Các cơ quan thông tấn báo chí cần có nhiều cách thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú về nội dung, mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích, biểu dương các tập thể, cá nhân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng; phát hiện, phê phán những đơn vị, tổ chức, cá nhân còn tâm lý sính hàng ngoại; đồng thời, tôn vinh, quảng bá các thương hiệu hàng Việt chân chính đến với người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Thông báo kết luận số 264 ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thông tri số 36 ngày 16/9/2009 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc hướng dẫn triển khai cuộc vận động, nhất là việc thực hiện mua sắm trang thiết bị cho cơ quan trong thời gian qua…
Chỉ có tiến hành đồng bộ các khâu trên thì trong thời gian tới, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ thực sự có bước đột phá mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy sản xuất trong tỉnh, trong nước phát triển và khi đó, hàng Việt còn là sự tự hào của người Việt trên thị trường trong nước lẫn nước ngoài…
PHÚC VĂN