Thứ Ba, 26/11/2024 04:24 SA
Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa
Thứ Ba, 27/11/2012 15:00 CH

Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa, nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm lúa gạo, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất lúa thương phẩm…

Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất: Vùng sản xuất lúa được áp dụng theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa tại Việt Nam (VietGAP lúa) phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của Nhà nước đối với các mối nguy hại gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý. Trong trường hợp không đáp ứng các điều kiện thì phải có đủ cơ sở chứng minh có thể khắc phục được hoặc làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn. Vùng sản xuất lúa có nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý cao và không thể khắc phục thì không được sản xuất theo VietGAP.

Vùng sản xuất lúa theo VietGAP phải được quy hoạch và có kế hoạch phát triển, chứng nhận và là vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao hoặc lúa đặc sản cho việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo theo VietGAP.

Giống lúa: Giống lúa phải có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Vùng này phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận (I hoặc II) được các tổ chức, cá nhân được phép sản xuất kinh doanh cung cấp (dưới hình thức bán, đầu tư thu hồi hoặc hỗ trợ giống). Các giống lúa chuyển gien chưa được công nhận trong quy trình sản xuất lúa theo VietGAP.

Quản lý đất: Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá đất trồng lúa, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất theo tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Cần có biện pháp làm đất (cày, xới, phơi, trục…). Các biện pháp này phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ. Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất, tổ chức và cá nhân sản xuất phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn, phải ghi chép và lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.

Phân bón: Hàng năm phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón, ghi chép và lưu trong hồ sơ. Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm trong việc sử dụng phân bón, cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên lúa. Sử dụng giải pháp 3 giảm 3 tăng, giảm lượng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ trong quy trình bón phân cho lúa sản xuất theo VietGAP lúa. Lựa chọn phân bón nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm lên lúa. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục), không sử dụng phân hữu cơ có nguồn gốc từ rác thải. Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, phải áp dụng quy trình xử lý an toàn, phải ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trong tất cả các trường hợp sử dụng phân bón vô cơ, hữu cơ, vi sinh phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của doanh nghiệp, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại. Các dụng cụ dùng phối trộn để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh và phải được bảo dưỡng thường xuyên. Nơi chứa phân bón hay khu vực để dụng cụ phối trộn phân bón phải độc lập và cách ly với môi trường sống, nguồn nước. Lưu giữ hồ sơ phân bón khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua). Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân).

Nước tưới: Nguồn nước sử dụng trong quy trình canh tác lúa phải được đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa chất đến tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch và vệ sinh công cụ lao động, máy móc thiết bị, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ. Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn, phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ. Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước thải chưa qua xử lý trong sản xuất.

(Còn nữa)

NGỌC NHƯ (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều cơ sở không đảm bảo
Thứ Ba, 27/11/2012 14:05 CH
Tiến độ còn chậm so với đề án
Thứ Ba, 27/11/2012 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek