Hầm đường bộ qua đèo Cả là một công trình trọng điểm quốc gia. Vì vậy, việc thiết kế, thi công phải được tính toán, triển khai thực hiện ở mức độ cao nhất có thể. Báo Phú Yên trao đổi với GS-TS Trần Chủng, cố vấn cấp cao của dự án, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về những vấn đề có liên quan.
GS-TS Trần Chủng |
* Thưa ông, hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ khắc phục những nhược điểm gì của hầm đường bộ qua đèo Hải Vân?
- Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân dài 6.280m, gồm một hầm chính lưu thông hai chiều và một hầm phụ làm nhiệm vụ thoát nạn. Vì vậy, khi các phương tiện giao thông qua lại hầm đã tạo một dòng khí rối loạn nên phải cần hệ thống lọc bụi khá hiện đại. Việc lưu thông hai chiều trong một đường hầm cũng tiềm ẩn những rủi ro về tai nạn giao thông. Đối với hầm đường bộ qua đèo Cả, lúc đầu, đơn vị tư vấn cũng lựa chọn phương án tương tự như hầm Hải Vân gồm một hầm chính hai làn xe và một hầm thoát hiểm; việc xây dựng đường hầm thứ 2 sẽ được thực hiện sau 20 đến 30 năm khi lưu lượng xe tăng tới mức giới hạn. Tuy nhiên, sau khi so sánh các thông số kỹ thuật, kinh tế, an toàn giao thông; trong đó có việc hầm đường bộ qua đèo Cả là một phần của tuyến đường cao tốc bắc-nam, các xe qua lại hầm phải đạt tốc độ 80km/g nên nhà đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả đã quyết định xây dựng đồng thời hai đường hầm, mỗi đường hầm hai làn xe lưu thông cùng hướng. Giao thông một chiều với một đường hầm sẽ tạo nên một dòng không khí theo hướng xe chạy; như vậy, chỉ cần một hệ thống thông gió đơn giản làm tăng lưu lượng gió là đủ thông gió và vệ sinh hầm. Việc các xe lưu thông một chiều trong hầm cũng giúp giảm thiểu tai nạn giao thông.
* Vì sao phải điều chỉnh hướng tuyến của hầm đường bộ qua đèo Cả, thưa ông?
- Năm 2009, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả theo phương án đường hầm dài 5,45km. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc hoàn thiện dự án, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã khảo sát bổ sung và đề xuất điều chỉnh phương án tuyến nhằm tránh đi qua khu vực có nhiều đá tảng và giao cắt với vết đứt gãy tự nhiên. Phương án tuyến mới giảm chiều dài đường hầm từ 5,45km xuống còn 3,9km, vừa tránh được các địa chất phức tạp, vừa giảm đáng kể chi phí xây dựng hầm. Tuy vậy, các thử thách đối với người thiết kế và thi công vẫn còn ở phía trước. Việc thi công và xử lý nền đường qua các lớp đất lẫn đá lăn, các tầng phủ dày hàng chục mét là những vấn đề kỹ thuật không hề đơn giản. Những khó khăn về địa chất chỉ xuất hiện khi triển khai thi công sẽ là thách thức về kỹ thuật đối với đội ngũ kỹ sư, công nhân và cả những người quản lý. Nhưng tôi hy vọng với kinh nghiệm và sự hợp tác quốc tế giữa các nhà thầu trong và ngoài nước thì những trở ngại nói trên sẽ được vượt qua.
Đèo Cả quanh co, hiểm trở, lưu lượng xe qua lại nơi đây nhiều nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông - Ảnh: L.HẢO
* Vậy những nhà thầu nào sẽ được lựa chọn thi công Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả?
- Dự án sẽ có nhiều gói thầu được chỉ định hoặc đấu thầu theo quy định; đơn vị được lựa chọn phải thỏa mãn các điều kiện năng lực tương ứng với công việc được giao. Các hạng mục công trình đều có sự đòi hỏi cao về chất lượng; những nhà thầu và đơn vị giám sát thi công phải có chuyên môn sâu, tổ chức hết sức chuyên nghiệp. Các hạng mục, công trình của Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đặc biệt phức tạp về kỹ thuật. Vì vậy, chúng ta cần mời các nhà thầu có kinh nghiệm trên thế giới tham gia. Ví dụ, nhà thầu Egis của Pháp là đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong thiết kế và quản lý các dự án hầm đường bộ ở Pháp và nhiều nước trên thế giới. Đây là đơn vị thiết kế hầm Violay (Pháp) có chiều dài tương tự như hầm đường bộ qua đèo Cả. Ngoài ra, Egis cũng đang thiết kế 3 hầm đường bộ cho Hy Lạp. Tất nhiên, các nhà thầu tư vấn nước ngoài sẽ phải liên danh với các đơn vị tư vấn có uy tín trong nước. Tổng thầu thi công sẽ là các nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm, uy tín ở châu Âu và châu Á. Các nhà thầu này phải đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công công trình để một dự án lớn như Hầm đường bộ qua đèo Cả hoàn thành đúng thời gian dự kiến vào năm 2016.
* Xin cảm ơn ông!
Tổng quan về dự án 1. Phạm vi dự án: Toàn bộ tuyến dài 13,4km. Điểm đầu tại km1353+500 quốc lộ 1 thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; điểm cuối tại km1374+525 thuộc thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, hầm đèo Cả dài 3,9km; hầm đèo Cổ Mã dài 0,5km; đường dẫn và cầu trên tuyến dài 9km. 2. Quy mô: Hầm đường bộ qua đèo Cả được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam; tốc độ thiết kế 80km/g. Các cầu trên tuyến bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Nền đường rộng 24m (4 làn xe); trên tuyến có 4 cầu dẫn và 1 cầu vượt quốc lộ 1 bề rộng tương ứng với đường. Phần hầm gồm 2 hầm đơn, mỗi hầm lưu thông một chiều, cách nhau 30m. Mỗi hầm có 2 làn xe chạy rộng 3,5m; có các hầm ngang thoát nạn cho phương tiện, các hốc đỗ xe, làn dừng xe khẩn cấp, các hốc tường để thiết bị cứu hỏa được trang bị các vòi nước chữa cháy. Ngoài ra, trong hầm còn có các thiết bị an toàn và vận hành hầm như hệ thống cung cấp và phân phối điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống tín hiệu, biển báo, chiếu sáng, thông gió hầm, mạng điện thoại khẩn cấp, mạng thông tin vô tuyến… (Nguồn: Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả) |
THANH HOÀI (thực hiện)