Từ những mô hình trình diễn điểm, đến nay huyện Sông Hinh đã có 60ha đất trồng lúa lai, năng suất từ 70-90 tạ/ha. Huyện Sông Hinh đang triển khai nhiều hình thức hỗ trợ nhằm khuyến khích nông dân trồng lúa lai, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Trồng lúa lai ở xã Ea Bá (Sông Hinh) mang lại năng suất cao, người dân phấn khởi - Ảnh: T.HƯƠNG
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, tổng diện tích lúa của huyện khoảng 1.300ha, chủ yếu các giống lúa thuần thông thường nên hiệu quả sản xuất chưa cao, năng suất chỉ từ 50 đến 55 tạ/ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua huyện đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các giống lúa lai để tìm ra cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Ông Huỳnh Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Vụ hè thu 2011, Phòng NN-PTNT huyện triển khai mô hình trồng thực nghiệm giống lúa lai TH3-3 do Công ty TNHH Cường Tân (tỉnh Nam Định) sản xuất tại một số cánh đồng ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang… Qua trồng thử nghiệm cho thấy, giống lúa TH3-3 phù hợp với đất đai và khí hậu địa phương, năng suất đạt hơn 75 tạ/ha. Từ kết quả này, vụ mùa hè thu, đông xuân 2012, UBND huyện tiếp tục cho triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa lai TH3-3 tại các cánh đồng trên địa bàn huyện.
Cây lúa lai TH3-3 có thời gian sinh trưởng từ 105-125 ngày, tùy vào điều kiện thời tiết; cây thấp, khỏe có khả năng chống đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bông to, ít nhiễm sâu bệnh hơn các loại giống lúa thuần. Mật độ sạ lúa TH3-3 chỉ 2,5kg/sào, trong khi đó mỗi sào lúa thuần phải gieo sạ từ 8-10kg giống. Theo ông Huỳnh Khắc Sự, 1ha lúa lai TH3-3 bà con gieo 50kg giống, giá 60.000 đồng/kg, chi phí khoảng 3 triệu đồng; đối với lúa thường phải gieo khoảng 150kg giống, với giá 8.000 đồng/kg, chi phí khoảng 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng 1ha lúa TH3-3 cao hơn lúa thuần khoảng 25-30 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn 8-12 triệu/ha.
Với những ưu thế trên, đến nay nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh đã chủ động chuyển từ trồng lúa thường sang trồng lúa lai. Ma Ngọc ở buôn Chao, xã Ea Bá cho biết: Sau khi trồng thử nghiệm lúa lai TH3-3 thấy hiệu quả vượt trội so với lúa thường nên tôi đã chuyển mấy sào ruộng của gia đình sang trồng lúa lai.
Không chỉ gia đình Ma Ngọc, nhiều gia đình ở huyện Sông Hinh cũng thấy được hiệu quả của việc trồng lúa lai. Ma Nguyên ở buôn Trinh, xã Ea Bar cho biết, gia đình ông có 2 sào ruộng, từ khi chuyển sang trồng lúa lai, năng suất đạt khoảng 400kg/sào. Theo UBND xã Ea Bar, xã có 187ha lúa, nhưng lâu nay công tác giống chưa được bà con quan tâm, chủ yếu là dùng lúa thịt của vụ trước để gieo sạ cho vụ sau, hoặc bà con tự mua lúa từ các địa phương khác về gieo nên bị lẫn tạp và thoái hóa, năng suất thấp. Từ khi mô hình sản xuất lúa lai được triển khai tại xã đã mang lại hiệu quả cao, nông dân rất phấn khởi. Còn ông Trần Đình Quốc, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông cho biết: Kết quả trồng thử nghiệm lúa lai TH3-3 trên 2,5ha ở xã cho năng suất 80 tạ/ha, đặc biệt có một số diện tích năng suất lúa đạt 95 tạ/ha, cao gần gấp đôi so với trồng giống lúa thường. Điều này cho thấy giống lúa TH3-3 rất phù hợp với đất đai và khí hậu của địa phương.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Huyện đã trồng khoảng 60ha lúa lai, tập trung ở xã Ea Ly, Đức Bình Đông, Ea Bá… Dự kiến vụ đông xuân 2012-2013, huyện sản xuất khoảng 100ha lúa lai, đồng thời hỗ trợ 50% giá chênh lệch giữa lúa lai và lúa thuần cho nông dân.
TUYẾT HƯƠNG