Để tạo chuyển biến về thói quen thanh toán trong xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đến năm 2015. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Thanh toán hóa đơn tại các điểm chấp nhận thẻ - Ảnh: L.HẢO
* Thưa ông, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đem lại lợi ích gì?
- Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và nhân dân. Khi người dân có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan quản lý sẽ hạn chế được chi phí in ấn, phát hành tiền. Người dân giảm thời gian thanh toán, tốc độ lưu thông của dòng tiền và sự chu chuyển vốn của nền kinh tế nhanh chóng hơn. Thêm vào đó, Nhà nước cũng sẽ kiểm soát được tình trạng tiêu cực liên quan đến tiền mặt trong thanh toán và quản lý; hạn chế hiện tượng tiền giả, tiền rách, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường; hạn chế nạn tham nhũng khi phát hiện tài khoản cá nhân có số dư đột biến… Đây là những lợi ích cốt lõi nhất. Ngoài ra, khi đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, người dân có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại để nâng cao dân trí, đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống.
* Cơ sở vật chất ngành Ngân hàng Phú Yên có đảm bảo thực hiện chủ trương phát triển thanh toán điện tử theo đề án?
- Về cơ sở vật chất, hiện toàn tỉnh có 60 máy ATM và 182 máy POS; trong đó, các máy ATM được lắp đặt chủ yếu ở TP Tuy Hòa và trung tâm các huyện, thị xã; máy POS được đặt tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm giải trí, các hãng taxi lớn ở TP Tuy Hòa. Khách hàng có thể quẹt thẻ qua các máy POS để thanh toán hóa đơn, hoặc thực hiện một số giao dịch tại máy ATM của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã phát hành gần 40.000 thẻ đa năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ cho khoảng 80% người được hưởng lương. Tuy nhiên, so với quy mô dân số hơn 800.000 người thì đây là một con số còn khiêm tốn. Các dịch vụ, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt cũng chỉ mới phát triển chủ yếu ở khu vực đô thị. Nguyên nhân là do đa phần người dân ở nông thôn chưa tiếp cận với công nghệ hiện đại; còn tâm lý e dè, ngần ngại về sự đảm bảo an toàn thông tin thẻ và tài khoản cá nhân. Chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng thương mại cũng chỉ mới vươn tới trung tâm huyện, thị xã, chưa phát triển đến xã, nhất là các xã vùng xa vì chi phí lắp đặt, bảo vệ cho các máy ATM khá lớn.
Theo Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ chủ yếu để phát triển lĩnh vực này gồm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng an toàn, thuận tiện; đưa thanh toán không dùng tiền mặt về nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán. Để thực hiện được những nhiệm vụ này, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên còn phải nỗ lực rất nhiều.
Người dân vẫn giữ thói quen trả tiền mặt khi mua hàng - Ảnh: L.HẢO |
* Để khuyến khích người dân thanh toán điện tử, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động nào, thưa ông?
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển nhiều dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng nhằm quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín, chất lượng dịch vụ của ngân hàng; qua đó thu phí dịch vụ, đem lại lợi nhuận cho đơn vị. Hiện các tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng với một số đơn vị có thanh toán hóa đơn như bưu điện, thuế, điện lực, nước, các hãng vận tải thực hiện thu phí qua tài khoản cá nhân, người dân không cần đến tận nơi chi trả. Các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Phú Yên cũng sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ quản lý, đảm bảo an ninh để khách hàng yên tâm khi sử dụng thẻ; đồng thời có chính sách khuyến khích cá nhân sử dụng thẻ như thanh toán không mất phí, giảm thuế giá trị gia tăng... Để việc thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ hướng dẫn và kiểm tra quá trình cho vay, thúc đẩy cho vay qua tài khoản, hạn chế giải ngân tiền mặt; tạo cho người dân có thói quen mở tài khoản cá nhân để thực hiện các giao dịch thiết yếu.
Đối với định hướng đưa tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt về nông thôn, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ này. Các ngân hàng thương mại khác có thể ký hợp đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên giải ngân qua tài khoản thẻ cho người dân, nhất là chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Đây là hình thức tiếp cận với nông thôn bằng phương thức cốt lõi nhất - tạo thói quen dùng thẻ cho thế hệ trẻ. Khi người dân thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt thì tự khắc họ sẽ làm theo.
* Theo ông, việc các ngân hàng dự định thu phí giao dịch ATM nội mạng có hạn chế người dân thanh toán không dùng tiền mặt?
- Hiện việc đầu tư vào ATM tốn rất nhiều chi phí quản lý, bảo trì, an ninh… Nếu các ngân hàng không được thu phí thì có thể họ chỉ tập trung phát hành thẻ, không chú trọng phát triển hệ thống máy ATM và những tiện ích liên quan. Việc thu phí đôi khi sẽ tránh những lãng phí không cần thiết, khuyến khích người dân dùng thẻ thanh toán khi mua hàng thay vì rút tiền mặt rồi trả… Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của các bên khi quyết định đồng ý hoặc không cho các ngân hàng thương mại thu phí giao dịch ATM nội mạng.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)