Ngân hàng Nhà nước (NHNN)cho biết, từ quý III/2012, dư nợ tín dụng bắt đầu có mức tăng trưởng dương Theo NHNN, Chính phủ đã xác định chủ trương nhất quán là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm và cả năm 2013.
Ảnh minh họa |
Vì vậy, chính sách tín dụng ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và cho vay có tác dụng kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho doanh nghiệp (như cho vay mua nhà, cho vay xây dựng nông thôn mới...) và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, cũng sẽ từng bước tăng nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng vào các chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên, cho vay người nghèo về nhà ở...
Để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), sẽ tạo chu trình khép kín cho sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng vào các chuỗi liên kết sản xuất-thu mua-tiêu thụ sản phẩm.
NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng “âm” so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý III/2012, dư nợ tín dụng có mức tăng trưởng dương, nhưng chưa ổn định và rõ nét. Đến 19/10/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành mới đạt trên 2,46% (nếu loại trừ số liệu ảo của cuối năm 2011 thì con số này khoảng trên, dưới 4%), trong đó tín dụng bằng VND tăng 4,41%,tín dụng bằng ngoại tệ giảm 5,41%.
NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp là do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ và tồn kho lớn (như xi măng, bất động sản…) nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn (kể cả lãi suất thấp), vì có sản xuất cũng không bán được hàng và gánh nặng trả lãi ngân hàng sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn thêm. Mặt khác, do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi, không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nợ xấu phát sinh tăng nên các TCTD càng thận trọng, chặt chẽ hơn trong việc thẩm định, xem xét cho vay.
Theo NHNN về tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2012, có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh. Nhưng cũng có nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng thấp nhưng gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ giúp sử dụng vốn tín dụng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tế những năm trước đây cho thấy tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao trên 30% (cá biệt năm 2007 con số này là 53%), tuy nhiên chỉ góp phần giúp GDP tăng trưởng ở mức 7,5-8%/năm. Năm 2012, dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức 5-6% thì GDP cũng duy trì ở mức dự báo khoảng 5,2%.
Theo VOV