Thứ Hai, 25/11/2024 10:46 SA
Tạo niềm tin để chống “vàng hóa”
Chủ Nhật, 04/11/2012 19:00 CH

“Tiền để trong nhà là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ”, câu nói cửa miệng của giới sản xuất, kinh doanh cho thấy, việc để từ 300-400 tấn vàng trên cả nước “chôn chặt” trong các gia đình, không được đem ra đầu tư là một sự lãng phí quá lớn nguồn lực. Nó có thể khiến nền kinh tế mất đi một đòn bẩy quan trọng để phát triển, làm cho nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế ngày càng cao. Do vậy, việc huy động nguồn lực này để hỗ trợ phát triển kinh tế là cần thiết. Tuy vậy, việc huy động vàng nên được thực hiện dựa trên niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế, giá trị của tiền đồng Việt Nam...

 

giaodich-121104.jpg

Giao dịch vàng tại Trung tâm Vàng bạc Bến Thành Tourist. -  Ảnh minh họa: TTXVN

Chống vàng hóa thành công

 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, do bất ổn của kinh tế thế giới và bất ổn của kinh tế trong nước, giá vàng trong nước có nhiều biến động thất thường, dẫn tới tình trạng vàng hóa nền kinh tế bị đẩy lên rất cao. Theo đánh giá không chính thức, sơ bộ ban đầu, trong nền kinh tế của nước ta có khoảng 300 - 400 tấn vàng, hay nói cách khác là có nguồn lực khoảng15 - 20 tỉ đô la không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bị “chôn chặt” vào vàng.

 

Hơn nữa, mỗi khi giá vàng có biến động đều làm ảnh hưởng đến tỉ giá thông qua hoạt động nhập lậu vàng, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua, tạo ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Đó là lý do khiến Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 về việc kiên quyết chống đô la hóa và chống vàng hóa.

 

Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu, xử lý hàng tồn kho và xử lý bong bóng bất động sản không thể làm trong “một sớm, một chiều”. Để có nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần kiên quyết triển khai mạnh mẽ chương trình chống đô la hóa và vàng hóa.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói, sau khi triển khai các giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế, tình trạng vàng hóa “đã được chặn đứng” - mỗi khi có biến động lớn về giá vàng, người dân không còn chen chúc nhau đi mua, bán, tỉ giá tiền đồng Việt Nam cũng ổn định.

 

 Chỉ tính riêng từ tháng 5/2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng từ nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Bình, như vậy, 60 tấn vàng đó đã được chuyển đổi từ vàng sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

“Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã mua được cỡ 10 tỉ USD cùng 60 tấn vàng cỡ khoảng 3 tỉ USD. Đó là nguồn lực đã chuyển đổi từ ngoại tệ và vàng sang đồng Việt Nam để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Nhờ vậy mà chúng ta có được thanh khoản của nền kinh tế, cải thiện được thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, giảm được lãi suất và mới có những bước tăng trưởng mặc dù còn thấp hơn nhiều so với mong muốn của chúng ta nhưng ít nhất cũng bảo đảm cho nền kinh tế của chúng ta được ổn định trong thời gian vừa qua”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

 

Thị trường vàng tồn tại khách quan

 

Những người có kiến thức về kinh tế đều hiểu rằng việc huy động nguồn lực từ 15 đến 20 tỉ đô la đang nằm im một chỗ trong dân để đầu tư phát triển là cực kỳ quan trọng và cần thiết trong giai đoạn kinh tế khó khăn và mọi nguồn lực đang trở nên eo hẹp như hiện nay. Nhưng ai cũng hiểu, vàng cũng có chức năng là phương tiện tích trữ. Chức năng ấy tồn tại khách quan, mặc nhiên được thừa nhận như thế từ xa xưa cho tới tận bây giờ.

 

Khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng khẳng định điều đó: “Tôi nghĩ, lưu trữ vàng là truyền thống, là tập quán, là mục đích đề phòng rủi ro, cho nên thị trường vàng vẫn tồn tại một cách khách quan”. Đây cũng chính là lý do khiến đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị không được xem thường thị trường vàng để củng cố niềm tin trong xã hội.

 

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, vàng được ví như chiếc nhiệt kế đo rất chính xác độ “nóng” phát triển của nền kinh tế. Khi kinh tế có dấu hiệu khó khăn, khủng hoảng, người dân trên toàn thế giới đổ xô vào vàng để bảo toàn vốn. Lúc ấy, chức năng tích trữ của vàng thể hiện rất rõ nét. Nhu cầu về vàng tăng cao đột biến, cho nên theo quy luật cung - cầu, giá vàng tăng mạnh. Giá vàng tăng liên tục trong mấy năm qua trên thị trường vàng toàn thế giới đã minh chứng rõ ràng điều đó. Khi có dấu hiệu kinh tế phục hồi, việc đầu tư mang lại những khoản lợi nhuận hấp dẫn hơn, những người nắm giữ vàng sẽ bán vàng để đầu tư kiếm lời. Do vậy, điều quan trọng là người dân phải thấy được dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế. Điều đó ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định bán hay giữ vàng trong dân. Đây là quy luật tất yếu của thị trường, bất cứ nền kinh tế thị trường nào cũng phải đối mặt với quy luật này.

 

Có thể làm một phép tính đơn giản, năm 2007, một người bán đi 10 lượng vàng với giá 14 triệu đồng mỗi lượng sẽ được 140 triệu đồng. Nếu người ấy mang số tiền ấy đi gửi vào ngân hàng, sau 4 năm, với mức lãi bình quân 12% mỗi năm, người ấy thu được 67,2 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, tổng cả vốn và lãi của người ấy là 207,2 triệu đồng.

 

Nếu người này mua lại vàng tại thời điểm hiện tại với giá 47 triệu đồng mỗi lượng sẽ chỉ được 4,4 lượng vàng. Phép tính đơn giản này cho thấy, người dân sẽ không dại gì bán vàng để đầu tư, nếu họ chưa thực sự nhìn thấy tương lai sáng sủa của kinh tế và cùng với đó, giá vàng sẽ có chiều hướng không tăng hay thậm chí là giảm.

 

Trên cơ sở phân tích này, với quan điểm cá nhân, người viết bài này cho rằng, chỉ trong 6 tháng, hệ thống ngân hàng đã “hút” được 60 tấn vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế rõ ràng là thành công lớn. Điều đó một mặt, theo cách nói của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, phản ánh chính sách quản lý thị trường vàng đã phát huy hiệu quả, nhưng mặt khác cũng phản ánh tâm lý tin tưởng hơn của người dân vào tương lai phát triển của nền kinh tế và giá trị của tiền đồng Việt Nam. Đương nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng không ít người dân bán vàng bởi Ngân hàng Nhà nước “không làm tốt thông tin truyền thông” dẫn tới người dân mất niềm tin vào vàng miếng không mang thương hiệu SJC mà mình đang nắm giữ.

 

Mong rằng, trong thời gian tới, những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn để củng cố niềm tin cho những người đang tìm sự trú ẩn an toàn vào vàng. Khi ấy, không cần tới những giải pháp quản lý mang tính hành chính, tài chính, người dân cũng tự nguyện bán vàng để đầu tư kiếm lời.

 

Theo QĐNDO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek