Nghề gốm thủ công ở thôn 5 (xã Hòa Vinh, Đông Hòa) đã có từ hơn 200 năm nay. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng những người yêu nghề vẫn mong mỏi làng nghề được công nhận để có điều kiện phát triển hơn.
Xã Hòa Vinh đang hướng cho làng nghề gốm sản xuất sang gốm mỹ nghệ - Ảnh: N.XUÂN
Làng gốm Hòa Vinh hiện có trên 30 hộ dân, gần 450 lao động. Làng gốm nằm cạnh quốc lộ 29 nên rất thuận tiện cho việc sản xuất, tiêu thụ. Trước kia, đây là nơi cung cấp các sản phẩm gốm truyền thống như bếp, bọng giếng, ấm đất, chậu cây cảnh, ống khói… cho người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Người dân thôn 5 chủ yếu tận dụng nguồn đất sét ở các chân ruộng gò để làm gốm; chất đốt chủ yếu là lá phi lao và củi các cây cà phê, cao su.
Làng gốm thôn 5, Hòa Vinh hoạt động theo từng hộ riêng lẻ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Phần lớn các hộ dân chỉ làm ra sản phẩm “sống” rồi bán lại cho các lò nung để họ nung và tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Lảng có hơn 40 năm gắn với nghề làm gốm ở thôn 5 cho biết: Vợ chồng tôi đã trên 70 tuổi, không còn sức đốt lò hay đi bán hàng nên chỉ ở nhà làm sản phẩm “sống” theo đơn đặt hàng. Mỗi ngày tôi làm khoảng 40-50 sản phẩm lớn, nhỏ; thu nhập từ 60.000-80.000 đồng. Còn ông Trần Công Tiến, chuyên thu mua sản phẩm gốm ở đây giãi bày: “Làm nghề từ nhiều năm nay nên tôi có nhiều mối tiêu thụ ở các tỉnh như Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Tại nhà tôi luôn có 8-10 lao động làm việc với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn đặt hàng, thu mua các sản phẩm “sống” của hơn 10 hộ dân trong làng gốm về nung. Đây là cách làm hiệu quả để các hộ dân nương vào nhau cùng duy trì và phát triển nghề.
Huyện Đông Hòa đang có chủ trương khuyến khích các hộ dân chuyển hướng sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí, vừa tiết kiệm nguyên liệu, lại cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, thôn 5, xã Hòa Vinh có khoảng 5 hộ bắt đầu phát triển nghề gốm mỹ nghệ. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trang trí nội - ngoại thất, làm quà lưu niệm. Theo anh Trần Văn Tẩn, ở làng nghề này, các sản phẩm gốm truyền thống giá trị rất thấp nên mấy năm nay, một số gia đình thử chuyển sang làm một số sản phẩm gốm mỹ nghệ như chậu cây cảnh, bình hoa, lục bình… có hoa văn, trang trí. Dòng sản phẩm này khó làm, mất nhiều thời gian nhưng giá trị cao hơn 10 lần so với các loại gốm truyền thống. Tuy nhiên, các loại gốm mỹ nghệ vẫn chưa có nguồn tiêu thụ ổn định nên tôi chỉ làm khi có đơn hàng. Còn chị Trần Thị Chiên, từng thành công trong việc làm gốm mỹ nghệ cho biết: Hiện thị trường tiêu thụ gốm mỹ nghệ đang rộng mở do nhu cầu sử dụng trong trang trí nội, ngoại thất lớn và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, muốn phát triển nghề theo hướng này thì phải mở rộng số hộ dân làm gốm mỹ nghệ để tạo nguồn hàng ổn định, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Vinh cho biết, địa phương đã có tờ trình đề nghị công nhận làng nghề đối với làng gốm ở thôn 5. Để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề này theo hướng, bền vững, địa phương quy hoạch thành một làng nghề tập trung, có khu khai thác đất nguyên liệu; đồng thời các hộ dân cần đầu tư cải tạo nâng cấp lò nung theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Làng nghề sẽ phát triển theo hướng cung cấp sản phẩm phục vụ dân sinh kết hợp thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Bên cạnh đó, xã Hòa Vinh cũng định hướng liên kết với làng nghề thủ công mỹ nghệ - công viên sinh thái Bàu Hà cùng các khu du lịch biển trong tỉnh, tạo thành vùng du lịch thu hút du khách.
NGÔ XUÂN