Từ năm 2010, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam đã phối hợp triển khai dự án thực hiện mô hình thích ứng với ngập lụt trong sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiệu quả của mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Mô hình trồng đậu phụng xen sắn cho hiệu quả cao - Ảnh: T.HƯƠNG
Qua các lớp truyền thông, các đợt tuyên truyền phổ biến, người nông dân xã Xuân Quang 2 đã áp dụng được nhiều mô hình sản xuất phù hợp với thời tiết, mang lại năng suất cao như: luân canh đậu phụng vụ đông xuân, ngô lai vụ hè thu, mô hình đậu xanh xen sắn, đậu phụng xen sắn... Những mô hình này góp phần cải tạo môi trường đất, đồng thời đời sống người nông dân cũng từ đó được cải thiện đáng kể. Ông Trần Ngọc Lanh, người dân thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2 phấn khởi: “Trước đây người dân chúng tôi không nắm bắt được khoa học kỹ thuật nên chủ yếu trồng một loại cây làm cho đất ngày càng cằn cõi. Từ khi các nhà khoa học về chỉ dẫn kỹ thuật và trồng cây xen canh các loại cây. Nhờ vậy mà đất canh tác không còn bạc màu như trước, năng suất được tăng lên nên người dân thu nhập khá hơn, đời sống ngày càng ổn định hơn trước”.
Từ việc sản xuất truyền thống, một năm chỉ trồng một loại cây, không cày xới nhiều lại không bón phân nên năng suất cây trồng không cao. Bên cạnh đó, khi đất bị bỏ trống một thời gian thì sẽ giảm độ màu mỡ của đất. Áp dụng những mô hình cây trồng mới kết hợp nguồn kiến thức về giống, chăm sóc cây trồng, người nông dân đã nhận thấy được sự quan trọng của “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, đặc biệt là sản xuất thích nghi với môi trường. Từ đó, hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con là khá cao và ổn định. Bà Cao Thị Thu, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 nói: “Nhờ biết cách trồng cũng như cách chăm sóc đúng kỹ thuật mà năng suất cây trồng cao gấp đôi so với những năm trước đây. Người dân chúng tôi bây giờ tin vào cách làm của các nhà khoa học”.
Ban đầu khi các nhà khoa học về triển khai chỉ có 50 hộ trong xã tham gia với 12ha, thì hiện nay đã có 110 hộ tham gia với diện tích 26,5ha. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 nói: “Đến thời điểm này, bà con trong xã mới thấy được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, cây trồng. Qua những hiệu quả của các mô hình trong thời gian qua cho thấy nhận thức về biến đổi khí hậu của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể”.
Mới đây, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam đã tổ chức Hội thi “Nông dân với biến đổi khí hậu”, nhằm tuyên truyền rộng rãi việc ứng xử với môi trường được bà con tham gia rất nhiệt tình. Là một thành viên trong đội ở thôn Phước Huệ, ông Nguyễn Sơn Thái bày tỏ: “Qua hội thi này, tôi mong tất cả mọi người cùng tham gia để nắm bắt kiến thức thực hiện các mô hình đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho gia đình và bản thân. Đồng thời, bà con mình nên dừng lại việc đi đào trầm, phát rẫy để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của toàn dân”.
Qua 2 năm thực hiện, dự án cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con khá cao. Theo thực tế, với việc áp dụng những mô hình sản xuất mới, người dân lãi ròng gần 100 triệu đồng/ha/năm; đồng thời đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sản xuất cũng như phòng chống bão lụt. Là người theo sát những hoạt động này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ nói: “Sự tác hại của môi trường bà con đã thấy rất rõ. Vì thế, những năm qua chúng tôi phải tìm cách làm hạn chế xói mòn, bạc màu cho đất nên đưa cây họ đậu vào trồng luân canh và xen canh, thay vì trồng cây sắn thuần loại. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con phải giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Trong những năm tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất đã được khẳng định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và nhận thức của bà con về biến đổi khí hậu.
LÊ HOÀNG