Để triển khai mô hình cánh đồng 16 tấn/ha/năm, ngành nông nghiệp huyện Phú Hòa đã áp dụng biện pháp canh tác sạ hàng, sạ thưa, đưa các giống lúa mới vào áp dụng trên đồng ruộng.
Thu hoạch lúa hè thu 2012 tại huyện Phú Hòa - Ảnh: H.NAM
NĂNG SUẤT ĐẠT CAO
Những năm qua, mô hình cánh đồng 16 tấn/ha/năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi tập quán của nông dân huyện Phú Hòa. Vụ hè thu năm 2012, Phú Hòa đưa vào sản xuất 5.518ha, mặc dù thời tiết bất lợi nhưng năng suất vẫn đạt 68,5 tạ/ha, trong khi năng suất toàn tỉnh chỉ đạt 64,4 tạ/ha. Cũng trong vụ này, huyện xây dựng mô hình cánh đồng 16 tấn/ha/năm trên 140,5ha, năng suất đạt 80,2 tạ/ha. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình sản xuất lúa giống trên diện tích gần 68ha, thu khoảng 520 tấn lúa. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, năng suất lúa đạt cao là do ngay từ đầu vụ, nông dân đã thực hiện tốt khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chọn giống phù hợp với từng chân ruộng, kháng sâu bệnh; đặc biệt là sạ hàng, sạ thưa.
Vụ hè thu năm 2012, HTX Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam có 500ha trong tổng số 819ha lúa áp dụng sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Trước đây, bà con sử dụng từ 12kg đến 14kg lúa giống/sào, thì nay chỉ gieo 5 đến 6 kg/sào. Nhờ kết hợp các biện pháp thâm canh khác nên năng suất lúa của HTX này tăng từ 6,5 tấn lên 7 tấn/ha/vụ. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam Lê Văn Bình cho biết: Ban đầu khi vận động chuyển đổi tập quán từ sạ dày, sạ lan sang sạ theo hàng với mật độ thưa, nhiều nông dân phản đối; nhưng nay ai cũng áp dụng, nhờ vậy hạn chế được sâu bệnh, công đầu tư chăm sóc ít, lợi nhuận cao.
Trong những năm qua, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cũng đã du nhập và khảo nghiệm các giống lúa đạt chất lượng có tiềm năng năng suất cao như giống ML 213, ML 4-2, ML 214, ML 216… Các giống này đã được các xã, thị trấn đưa vào cơ cấu chính cho 2 vụ lúa. Việc đưa vào khảo nghiệm sản xuất giống lúa chất lượng cao còn làm giảm tình hình sâu bệnh gây hại cho cây lúa. Theo ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, ngoài một số xã lâu nay năng suất lúa đạt cao như xã Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Quang Nam thì tại xã miền núi Hòa Hội, những năm gần đây năng suất vượt trội lên đến 16 tấn/ha/năm - là nhờ áp dụng thành công mô hình này, nông dân mạnh dạn đầu tư, đưa những giống lúa mới chất lượng cao thay lúa thịt.
TÌM GIẢI PHÁP NHÂN RỘNG
Việc chuyển đổi cơ cấu giống, tiến tới sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất đại trà, đem lại lợi ích cho nông dân nhằm nâng cao giá trị lúa gạo được ngành nông nghiệp huyện Phú Hòa chú trọng triển khai. Qua khảo sát, giá gạo chất lượng cao tại Phú Yên ở mức 15.000 đồng/kg, trong khi đó gạo thường giá chỉ khoảng 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Như vậy, nếu áp dụng sản xuất lúa chất lượng cao thì thu nhập cao hơn từ 10-30% so với sản xuất lúa thường. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này cho nông dân thì vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Quang Thu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa cho biết: “Để nông dân hiểu được tính hiệu quả của việc sử dụng giống lúa chất lượng cao trong sản xuất, mỗi xã phải xây dựng một cánh đồng sản xuất lúa mô hình. Khó khăn hiện nay là diện tích manh mún, trong khi đó sản xuất lúa theo mô hình đòi hỏi tuân theo quy trình kỹ thuật, phải bố trí một số diện tích lớn, trong khâu quy hoạch thường bị vướng do một bộ phận nhỏ nông dân không tham gia”.
Để việc sản xuất lúa chất lượng cao được nhân rộng, ngành nông nghiệp huyện Phú Hòa đã kiến nghị các đơn vị có liên quan tích cực vận động người dân tham gia mô hình. Đối với cơ quan chức năng của tỉnh trong thời gian tới, cần hỗ trợ để nông dân có điều kiện đầu tư thiết bị, công nghệ nâng cao chất lượng nông sản; tăng cường chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất lúa. Vì theo các chuyên gia nông nghiệp, để đảm bảo yếu tố bền vững trong sản xuất lúa hàng hóa cần có sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà”: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân.
MẠNH HOÀI NAM