Túi nilon tiện lợi trong sử dụng nhưng nếu lạm dụng và không biết cách dùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi những chất độc hại từ loại túi này gây ra.
Sản xuất bao bì từ nhựa phế phẩm - Ảnh: K.ANH
Hiện ở TP Tuy Hòa có một số cơ sở sản xuất túi nilon từ nhựa tái chế. Mỗi ngày các cơ sở này đưa ra thị trường hàng trăm kilogam túi nilon phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Tại Xí nghiệp xử lý rác thải thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Phú Yên ở thôn Thọ Vức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), rác thải sau khi thu gom về được phân loại theo từng màu sắc khác nhau, sau đó cho vào bể nước để giặt, phơi khô. Công đoạn tiếp theo là đun nóng rồi tạo thành những hạt nhỏ có đường kính khoảng 2mm. Ông Hàng Đức, Quản đốc xí nghiệp cho biết: Các hạt nhựa được bán cho các cơ sở sản xuất bao bì, túi nilon trong và ngoài tỉnh để sản xuất thành phẩm túi nilon. Trung bình mỗi ngày xí nghiệp sản xuất khoảng 1,4 tấn hạt nhựa; giá bán tùy vào từng loại khác nhau; hạt trắng có giá từ 10.000-11.000đồng/kg, hạt vàng, xanh có giá 8.000 đồng/kg, hạt đen được bán với giá 7.000 đồng/kg...
Theo bà Trần Thị Hiếu, chủ một cơ sở sản xuất túi nilon ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, Phú Hòa), trung bình mỗi ngày cơ sở của bà bán ra thị trường khoảng 200-300kg túi nilon với giá 20.000-21.000 đồng/kg. Trước đây, bà Hiếu mua nhựa phế liệu rồi xử lý, tái chế trực tiếp nhưng vì gây ô nhiễm nên hiện cơ sở chỉ mua hạt nhựa từ Xí nghiệp xử lý rác thải của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Phú Yên và từ các cơ sở tái chế khác rồi sản xuất bao bì hoàn chỉnh phục vụ người tiêu dùng.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại túi nilon với đủ màu sắc và cả những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như muỗng ăn, chai nhựa... được tái chế từ các loại nhựa phế phẩm khác nhau. Trên thực tế, túi nilon có giá rẻ, tiện lợi nên được đông đảo người dân sử dụng. Bà Lê Thị Hải ở phường 5 (TP Tuy Hòa) nói: “Hằng ngày, tôi vẫn quen dùng túi nilon để đựng thực phẩm từ chợ về nhà. Tôi không biết các loại túi này được chế tạo như thế nào nhưng đã thành thói quen nên cứ vậy mà dùng”. Rõ ràng, nhiều người chưa quan tâm đến việc các loại sản phẩm này có thể gây độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng. Vì loại bao bì bằng nhựa tái chế có thể nhiễm vi khuẩn, vi rút và có hóa chất (làm tăng độ dẻo, mềm... của bao, bì).
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Túi nilon hay những vật dụng khác được làm từ nhựa tái sinh thường không đảm bảo về chất lượng nếu không được kiểm tra, thẩm định. Các loại túi này có khi bị nhiễm khuẩn do không qua khử trùng và bảo quản đúng cách. Người dân nên hạn chế sử dụng túi nilon; không dùng túi nilon để đựng đồ nóng, chua; không để trong lò vi sóng (hấp, sấy thức ăn); phải thận trọng, không nên lạm dụng túi nilon để đựng thực phẩm nếu không cần thiết. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen dùng túi nilon, thay thế bằng sản phẩm khác được gọi là túi thân thiện, túi môi trường đang được khuyến khích sử dụng nhằm giảm tác nhân gây hại, bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
KHANG ANH