Huyện Sông Hinh vừa triển khai mô hình ứng dụng men vi sinh làm chất độn chuồng trong chăn nuôi heo. Đây là mô hình mới góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế.
Gia đình ông Nguyễn Như Năm ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) đang xây dựng chuồng nuôi heo ứng dụng vi sinh - Ảnh: V.THÙY
Nhận thấy lợi ích từ mô hình, ông Trần Hữu Thung ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa khu chăn nuôi heo của gia đình thành nhiều chuồng nhỏ, mỗi chuồng khoảng 3,5m2. Về hình thức, kết cấu tường bao, mái che không có gì thay đổi, nhưng khác ở chỗ nền chuồng âm sâu khoảng 60cm dùng để chứa hỗn hợp men vi sinh. Qua hơn 2 tháng, heo nuôi trong chuồng có nền độn bằng chất vi sinh ăn khỏe, chóng lớn, không có biểu hiện bệnh tật. Đặc biệt, ưu điểm vượt trội của mô hình này khử được hoàn toàn mùi hôi. Ông Thung nói: “Nếu nuôi heo như trước phải dành một khoảng đất trống để chứa chất thải, trong khi đất đai chật hẹp, mùi hôi thối không thể chịu được. Từ khi áp dụng chuồng vi sinh, nhiều người đến nhà chơi không biết là nhà đang nuôi heo. Ba cái lợi thấy rõ là không mùi hôi, không phải rửa chuồng, không phải tắm thường ngày cho heo như trước”.
Từ hiệu quả thực tế của mô hình, nhiều hộ chăn nuôi heo ở thị trấn Hai Riêng đã triển khai áp dụng. Ông Nguyễn Như Năm ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, với quy mô thường xuyên nuôi trên dưới 20 con heo nái và heo thịt. Mặc dù đã có hầm biôga lớn nhưng mùi hôi từ đàn heo vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ riêng của gia đình mà còn ảnh hưởng nhiều đến bà con xóm giềng, khiến ông Năm không thể mở rộng chăn nuôi. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, ông Năm đã cải tạo lại toàn bộ chuồng trại ở khu chăn nuôi của gia đình. Ngoài ra ông còn làm mới một dãy chuồng ba gian, diện tích nền 30m2, trong đó có 20m2 nền chứa hỗn hợp men vi sinh. Ông Nguyễn Như Năm cho biết, đầu tư cho mô hình này không lớn (nếu không tính phần sửa chữa, cải tạo chuồng trại), chi phí để làm hỗn hợp men vi sinh hết khoảng 3 triệu đồng, trong đó gồm 2kg bột vi sinh, 20kg bột bắp, còn lại là tiền công. Ông Năm cho hay: “Mùn cưa và trấu là những nguyên liệu có sẵn ở địa phương, không cần tính toán kỹ, chỉ riêng giảm công chăm sóc, tiết kiệm được nước là đã thấy rõ hiệu quả kinh tế của mô hình. Quan trọng hơn, đây là “chìa khóa” để mở rộng đàn heo mà gia đình ấp ủ từ nhiều năm qua”.
Thực tế từ mô hình trên cho thấy, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đã được giải quyết, không còn mùi hôi thối, chất thải của heo được vi sinh chuyển hóa thành chất vô hại ngay trong chuồng. Bên cạnh đó, mô hình này còn mang lại hiệu quả về kinh tế. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình trên thì tiết kiệm được khoảng 80% lượng nước do không phải tắm cho heo hoặc tẩy, rửa chuồng; công lao động cũng giảm đến hơn 60% để làm vệ sinh chuồng trại; tiết kiệm đến 10% chi phí thức ăn do heo tận dụng được nguồn protein, chất khoáng, vitamin từ hỗn hợp vi sinh giúp heo tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Dậu, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Sông Hinh, cho biết: “Mô hình nuôi heo sử dụng hỗn hợp vi sinh độn chuồng có đầu tư thấp, chuồng trại thiết kế đơn giản vì cần sự thông thoáng tối đa. Việc xử lý kỹ thuật làm đệm lót không cầu kỳ, phức tạp nhưng lại có giá trị kinh tế cao, lâu dài. Một đệm lót nền chuồng nếu xử lý tốt, đúng kỹ thuật có thể sử dụng liên tục từ 1-3 năm, nguyên liệu làm hỗn hợp là những vật liệu rẻ tiền sẵn có tại địa phương. Sau cùng lớp độn lót đó được dùng làm phân bón có chất lượng cao cho cây trồng. Ngoài ra, men vi sinh từ bột bắp trong chất độn chuồng có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp heo ăn nhiều hơn”.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, mô hình nuôi heo sử dụng hỗn hợp vi sinh độn chuồng mang lại hiệu quả lớn về môi trường. Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có khá nhiều hộ nuôi heo với quy mô vài chục con, phần lớn các chất thải như phân, nước tiểu, nước tẩy rửa đều đưa trực tiếp ra môi trường. Nhiều hộ có điều kiện hơn thì làm hầm tự hoại nhưng cũng không xử lý hết mùi hôi, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Từ những kết quả bước đầu mang lại, mô hình nuôi heo trong chuồng có đệm lót vi sinh là giải pháp hữu hiệu cho các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.
VĂN THÙY