Mùa mưa lũ đang đến gần, việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân vùng lũ đang được các ngành, các cấp quan tâm. Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên chung quanh việc triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa cung ứng thị trường phục vụ nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.
Dự trữ hàng hóa ở Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN
* Hàng năm, trước mùa mưa bão, Sở Công thương triển khai việc dự trữ hàng hóa để sẵn sàng cung ứng cho những nơi bị ngập lụt chia cắt. Vậy năm nay, việc chuẩn bị đó như thế nào, thưa ông?
- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay nhiều khả năng mưa, lũ, bão trên địa bàn tỉnh sẽ nhiều hơn năm trước. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân trong mùa mưa bão, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống lụt bão, trong đó công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; sẵn sàng phục vụ, tiếp tế cho người dân.
Đến nay, đã có 24 doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão; tiêu biểu như Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Phú Yên, Công ty cổ phần Thương mại miền núi Phú Yên, Công ty cổ phần Thuận Thảo, Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, Công ty TNHH Bích Hợp, Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Hoàng Phương, Công ty TNHH thương mại Vạn Phúc, hiệu buôn Tý Linh, Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Miền Trung chi nhánh Phú Yên... Các doanh nghiệp đã dự trữ 32.000 thùng mì ăn liền, 5.000 thùng nước uống đóng chai, 400 tấn gạo, 40.000m tấm lợp, 3 tấn đinh vít, 5 tấn dây thép, 420.000 lít xăng, 407.000 lít dầu Diezen, 36.000 lít dầu lửa… Ngoài những kho dự trữ tại thành phố, các doanh nghiệp cũng cam kết cung cấp hàng đầy đủ cho các đại lý tại các địa phương; đảm bảo số lượng và giá cả ổn định trong thời điểm mưa bão, lũ lụt.
Hiện các doanh nghiệp có khoảng 1.500 đại lý nhỏ ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Mỗi đại lý sẽ là một điểm dự trữ hàng theo chủ trương của tỉnh. Các công ty, đại lý lớn cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, bổ sung hàng hóa và kiểm soát giá cả của các đại lý này.
* Việc dự trữ hàng hóa trong mùa mưa bão năm nay có khó khăn gì không, thưa ông?
- Năm nay, do ngân sách tỉnh khó khăn, phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề cấp bách nên UBND tỉnh không giao kinh phí cho Sở Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão. Sở Công thương phải đề nghị một số doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tự dự trữ hàng hóa để vừa kinh doanh, vừa kịp thời cung ứng cho nhân dân khi có bão lụt xảy ra. Các doanh nghiệp phải chủ động nguồn vốn cũng như lượng hàng hóa dự trữ để đáp ứng đầy đủ cho người dân khi cần thiết. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì hiện nay việc vay vốn không dễ. Sau mùa mưa bão, nếu số hàng dự trữ không tiêu thụ hết sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc dự trữ hàng hóa chủ yếu dựa trên ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với xã hội.
Chuẩn bị hàng hóa cho mùa mưa bão ở một doanh nghiệp - Ảnh: N.XUÂN
* Khi lụt bão kéo dài dễ xảy ra khan hiếm hàng và gây biến động giá. Vậy ngành đã có những biện pháp gì để hạn chế những tình trạng này?
- Để ổn định thị trường trong mùa mưa bão, Sở Công thương đã giao cho lực lượng Quản lý thị trường tại các huyện nắm nhu cầu hàng hóa cần cung ứng cho nhân dân ở mỗi địa bàn phụ trách, kịp thời báo cáo Sở Công thương để đề xuất hỗ trợ kịp thời. Lực lượng này cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lụt, bão tự ý nâng giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng. Riêng đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, các cửa hàng phải đảm bảo lượng hàng tại chỗ luôn đầy đủ và bán đúng giá để phục vụ người dân. Cửa hàng nào không bị ngập nước mà bị mất điện thì chủ các cửa hàng phải mở cửa và dùng máy phát điện hoặc dùng bơm tay, thậm chí phải múc vào thùng, can… bán cho khách hàng. Mọi hành vi lợi dụng lụt bão để găm hàng, nâng giá sẽ bị kiểm tra và xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng hợp đồng 5 xe tập lái của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên và xe của các doanh nghiệp để vận chuyển hàng hóa cung ứng kịp thời phục vụ nhân dân khi có mưa bão, lũ lụt. Bên cạnh đó, một lượng lớn sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng tham gia bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại TP Tuy Hòa đưa về các địa phương. Trường hợp, các khu vực bị ngập nước, cô lập không thể vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, Sở Công thương sẽ báo cáo lên UBND tỉnh huy động thuyền máy, ca nô hoặc trực thăng của công an, quân đội để đưa hàng hóa về các khu vực bị cô lập. Sở Công thương cũng xác định một số điểm “nóng” dễ xảy ra tình trạng lũ lụt gây chia cắt cục bộ để có phương án đưa hàng đến kịp thời khi xảy ra mưa lũ. Một số doanh nghiệp cũng đã cam kết mang hàng đi bán lưu động tại những điểm “nóng” này. Riêng tại huyện Phú Hòa, nếu có mưa lũ gây chia cắt, Sở Công thương sẽ điều động hàng hóa dự trữ tại trung tâm TP Tuy Hòa để cung ứng kịp thời.
- Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)