Nông dân Phú Yên đã thu hoạch xong hơn 24.000ha lúa hè thu 2012, với năng suất 64,4 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước. Không chỉ năng suất giảm, mà giá lúa cũng giảm, thương lái mua nhưng chậm trả tiền, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nông dân TP Tuy Hòa gấp rút thu hoạch số diện tích lúa cuối cùng để “chạy” mưa lũ - Ảnh: M.ĐĂNG
Sáng 29/9, bà Lê Thị Huệ ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) đạp xe chở bao lúa 50kg đến nhà ông N. Đ. T - chủ đại lý lúa gạo ở cùng xã để bán, lấy tiền trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Thế nhưng, sau khi cân lúa xong với giá 5.000 đồng/kg, chủ đại lý cho biết vài hôm sau mới nhận được tiền. Có bán thì để lúa lại, không thì chở về. Bà Huệ buồn rầu cho biết: Đầu vụ, giá lúa 5.300 đồng/kg, bán đến đâu nhận tiền đến đó, còn giờ lúa chỉ còn 5.000 đồng/kg mà bán cũng không được, trong khi phần lớn chi phí trong gia đình trông chờ vào 5 sào lúa vừa thu hoạch.
Theo nhiều nông dân ở Đông Hòa, giá lúa đã giảm gần 1 tháng nay. Đầu tháng 9, giá lúa ở mức 5.500 đồng/kg, sau đó giảm còn 5.300 đồng và bây giờ thì còn 5.000 đồng/kg mà cũng chẳng ai mua. “Nếu bán lúa với giá 5.000 đồng/kg, vẫn có lời nhưng không đáng kể. Nhưng vấn đề trước mắt là hơn 2 tấn lúa chất đầy một góc nhà, trong khi gia đình cần tiền để trả các khoảng trả nợ, vậy mà không có người mua”, bà Huệ cho biết.
Không chỉ riêng ở Đông Hòa, nông dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ lúa. Dù biết bán lúa vào thời điểm này lợi nhuận mang lại không cao so với chi phí sản xuất, nhưng nhiều người vẫn phải “bấm bụng” bán nhín vài trăm ký lúa để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình; một số hộ thì cố giữ lúa lại để chờ giá lên, dù biết nguy cơ rủi ro là rất cao, khi mùa mưa bão đến gần.
Với 6.500ha lúa vừa thu hoạch xong, hiện lượng lúa tồn tại các gia đình ở huyện Tây Hòa rất lớn, thậm chí có gia đình chưa bán được ký lúa nào. Ông Trần Văn Cường ở xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa) giải bày: Nhà có 5 người, thu nhập chính từ 4,5 sào lúa (tương đương 2.250m2). Vụ hè thu vừa rồi tôi thu hoạch được 1,2 tấn lúa, giảm khoảng 300kg so với vụ hè thu trước. Hiện giá lúa giảm nên tôi chưa bán ký lúa nào, dù gia đình đang cần tiền đóng học phí, mua bảo hiểm y tế cho con đến trường. “Không riêng gì gia đình tôi đâu, đi đến đâu tôi cũng nghe bà con than phiền giá lúa giảm, trong khi giá gạo bán tại các chợ vẫn ở mức cao. Không biết việc kinh doanh của các chủ đại lý lúa gạo lỗ - lãi thế nào, nhưng tôi thấy người trồng lúa khổ quá!”, ông Cường nói.
Theo các chủ đại lý mua lúa gạo trong tỉnh, lúa “nhũng” là tình trạng chung của thị trường cả nước, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chứ không riêng gì Phú Yên. Bà Võ Thị Như chủ đại lý mua lúa gạo ở huyện Đông Hòa cho biết, cả tuần nay, nhiều đại lý lúa gạo ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận liên tục gọi điện cho tôi vào chở lúa, nhưng tôi từ chối, vì lúa ở Phú Yên mua chưa hết thì đi đâu ra ngoài tỉnh cho tốn chi phí. “Với giá lúa như hiện nay, chúng tôi có lời nhưng “mỏng” lắm, chủ yếu lấy công làm lời, vì giá xăng dầu, nhân công đều tăng cao, nếu thuê mướn hết dễ bị lỗ”, bà Như cho biết thêm.
MINH ĐĂNG