Hiện nay, nước mắm công nghiệp được bày bán ở khắp nơi làm cho nước mắm truyền thống đứng trước những khó khăn.
Người tiêu dùng chọn mua mắm sản xuất công nghiệp ở siêu thị - Ảnh: T.HÀ
Hiện nay, nước mắm công nghiệp với những sản phẩm: Nam Ngư, Hải Ngư, Phan Thiết, Phú Quốc… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu mắm ra đời kèm theo các chiến dịch quảng cáo rầm rộ với những khẩu hiệu ấn tượng: mắm ngon vì sức khỏe; mắm được thanh trùng 100%; mắm nguyên chất cá cơm; mắm 75%-80% cá cơm; mắm không có urê, nước mắm sạch…
Dạo quanh các chợ và siêu thị chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sự “lớn mạnh” của những thương hiệu nước mắm nói trên. Với nhiều ưu điểm, nước mắm sản xuất công nghiệp đang dần chiếm lĩnh thị trường. Trong khi đó, để tìm mua được một lít mắm ngon được chế biến theo cách truyền thống lại không dễ.
Địa danh mắm Yến (cách gọi khác của 2 thôn Hội Sơn và Nhơn Hội thuộc xã An Hòa, Tuy An) được nhiều người trong tỉnh biết đến như một làng chuyên làm ra những loại mắm ngon. Theo ông Nguyễn Văn Hảo, một người nhiều tuổi ở thôn Hội Sơn, khoảng gần 10 năm về trước, ở thôn Hội Sơn và Nhơn Hội có nhiều gia đình làm nghề muối mắm truyền thống. Nhưng nay, nhiều gia đình đã thôi nghề làm mắm. Một số gia đình đã chuyển sang nuôi tôm. Còn ông Nguyễn Mười, một trong những người làm nước mắm có quy mô lớn ở thôn Hội Sơn cho biết: “Nghề làm nước mắm đang gặp nhiều khó khăn. Lượng cá đánh bắt hằng năm không đủ cho việc muối mắm nên lượng mắm xuất hàng năm ngày càng giảm. Đã vậy, mắm chai công nghiệp giờ nhiều quá, người dân thấy tiện là mua, nên công việc làm mắm truyền thống ngày càng bị thu hẹp”.
Hiện tại, gia đình ông Mười vẫn đang muối mắm cá cơm. Mắm nhỉ nguyên chất được bán 120.000 đồng/lít, mắm ngon thì 70.000-80.000 đồng/lít, chỉ có những loại mắm lấy nước cuối cùng mới có giá 10.000-20.000 đồng/lít dùng để nêm nếm và kho. Trong khi đó, mắm hương cá hồi thương hiệu Chin-su Nam Ngư được nhiều người chọn mua chỉ được bán với giá 17.600 đồng/chai 500 ml. Mắm được quảng cáo là thượng hạng cũng chỉ vài chục ngàn đồng/lít.
Chị Lê Thị Kim Ngân chủ cơ sở nước mắm Ngân Mỹ Á, thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi được Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Phú Yên” nên cũng có nhiều khách hàng biết và gọi điện đến đặt mua hàng. Dù vậy, lượng khách hàng vẫn giảm 20% so với trước kia. Hiện tại, có nhiều hãng kinh doanh mặt hàng nước mắm công nghiệp. Những loại nước mắm này được pha chế để giảm độ mặn nên nhiều người, đặc biệt là người dân ở nông thôn và miền núi rất ưa chuộng”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa cho biết: “Gia đình tôi từ trước đến giờ không sử dụng nước mắm đóng chai công nghiệp. Tôi hay lấy nước mắm của mối quen ở gành Đỏ, TX Sông Cầu. Mắm có màu cánh gián, vị mặn đậm đà, mùi thơm đặc trưng. Nước mắm công nghiệp có quá nhiều chất phụ gia nên tôi không thấy yên tâm khi sử dụng”.
Không chỉ người làng mắm, mà những người có hiểu biết đều e ngại khi phải sử dụng nước mắm công nghiệp. Bản thân họ thích sử dụng những loại nước mắm truyền thống có xuất xứ rõ ràng, được đảm bảo chất lượng hơn là các loại nước mắm có chứa nhiều chất phụ gia. Biết vậy, nhưng nhiều người vẫn phải sử dụng nước mắm công nghiệp vì chất lượng của sản phẩm nước mắm truyền thống không ổn định, mà lại khó tìm mua.
Tạo uy tín, quảng bá rộng rãi, nâng cao chất lượng và tính ổn định của sản phẩm nước mắm truyền thống - “Nước mắm Phú Yên” là việc mà Sở Khoa học - Công nghệ cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, tư vấn cho các cơ sở làm mắm truyền thống thực hiện tốt để sớm trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.
THÁI HÀ