Đến thôn Phú Cần (xã An Thọ, Tuy An) hỏi thăm chị Đỗ Thị Hương ai cũng biết, bởi chị là một trong những phụ nữ tiêu biểu vượt khó thoát nghèo, nuôi con ăn học thành tài nơi đây.
Chị Đỗ Thị Hương - Ảnh: P.YÊN
Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang với nụ cười đôn hậu, chị Hương nói: “Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tôi đi bước nữa. Ngày ấy, cuộc sống của mấy chị em tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải đi ở cho người ta để nuôi mình và nuôi các em”.
Năm 1976, chị Hương kết hôn với anh Nguyễn Văn Học ở cùng thôn. Lúc mới 14 tuổi, anh Học mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một mình anh phải nuôi bốn đứa em nhỏ, đứa nhỏ nhất chỉ mới lên ba. Đồng cảnh ngộ, thấu hiểu nỗi vất vả không cha không mẹ, anh chị đến với nhau bằng tình thương và sự sẻ chia. Để có tiền mua gạo nuôi con nhỏ và sáu người em (cả bên vợ lẫn bên chồng), vợ chồng chị phải làm thuê mướn khắp nơi. Đến bây giờ chị vẫn không quên: “Hồi ấy thiếu thốn trăm bề, ăn uống kham khổ, nhiều lúc tôi không đủ sữa cho con bú, phải chắt nước cơm cho con uống để lót lòng, lớn lên thì nấu cháo rồi hái rau rừng, đào khoai củ cho tụi nhỏ ăn...”.
Năm 1980, khi đứa con trai thứ hai vừa mới hơn một tuổi mắc bệnh tiêu chảy nhưng không có tiền đi bệnh viện, chị đành hái lá giã cho con uống, vì vậy đến nay con chị bị di chứng về đường ruột. Trong những năm tháng đói khổ ấy, điều hạnh phúc nhất với chị Hương là các con luôn hiếu thảo, chăm ngoan, biết phụ giúp việc nhà cho cha mẹ và cố gắng học hành. Thấy con cái sống trong cảnh đói rét, thiếu thốn, vợ chồng chị quyết tâm dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng cho các con ăn học, để sau này có tương lai tốt đẹp hơn. Bằng sự chịu thương chịu khó, nỗ lực vươn lên, vợ chồng chị Hương anh Học đã khai hoang một hécta đất để trồng mía. Bán mía, anh chị dành dụm được ít tiền mua một con bò nhỏ về nuôi. Sau đó, lại tiếp tục mua thêm bò và đất để trồng mía. Cứ như vậy trong vòng 14 năm đến năm 1990, gia đình chị đã có được 4ha mía và 12 con bò.
Khi có được ít vốn, chị Hương bàn với chồng cách làm kinh tế bền vững. Chị nghĩ nếu chỉ dừng lại ở việc trồng mía thì chỉ đủ ăn, đủ mặc, vì vậy cần đầu tư thêm vốn để trồng rừng, không những phủ xanh đất trống đồi trọc tốt cho môi trường, mà gia đình còn có vốn sau này. Vợ chồng chị bán bò, bán mía, tập trung trồng 10ha rừng keo lai và bạch đàn. Được chính quyền địa phương biểu dương khích lệ, gia đình chị tiếp tục đầu tư, đến năm 2006, vợ chồng chị trồng được 20ha rừng, với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Đến nay, anh chị trồng được 25ha rừng, vừa khai thác, vừa tái đầu tư, mỗi năm thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm. Từ đó, gia đình có điều kiện cho các con ăn học. Bây giờ, bốn người con của chị tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp cao đẳng, tất cả đều có việc làm ổn định.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, gia đình chị luôn quan tâm giúp những gia đình khó khăn trong thôn bằng cách cho họ mượn vốn nuôi bò để phát triển kinh tế. Tấm lòng ấy, việc làm ấy của chị Hương được bà con nơi đây yêu mến.
PHÚC YÊN