Dịch heo tai xanh (HTX), cúm gia cầm đang bùng phát và lây lan ở các địa phương lân cận với Phú Yên, trong khi đó thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển mạnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh xung quanh việc phòng chống dịch bệnh động vật.
Phun thuốc tiêu độc tại Trạm Kiểm dịch động vật Bình Phú (TX Sông Cầu) - Ảnh: T.HƯƠNG
* Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh, đặc biệt đối với các loại dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh hiện nay như thế nào?
- Cả nước vẫn đang xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo và cúm gia cầm ở gà, vịt. Đáng chú ý là dịch heo tai xanh đang bùng phát ở tỉnh Đắk Lắk, nơi cung ứng heo thịt cho thị trường Phú Yên lâu nay; dịch cúm gia cầm thì đang xảy ra ở Quảng Ngãi… Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm Thú y huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, kiểm tra dịch bệnh.
Trong thời gian qua, khi nhận được thông tin gia súc, gia cầm bị bệnh chết, Chi cục Thú y đã mổ khám, chẩn đoán và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả đàn vịt ở huyện Tuy An bị bệnh do viêm gan vi rút, đàn heo ở huyện Tây Hòa âm tính với bệnh tai xanh, chỉ mắc các loại bệnh thông thường như tả, tụ huyết trùng và phó thương hàn. Vì vậy đến thời điểm này có thể khẳng định đàn vật nuôi của tỉnh vẫn ổn định.
* Hiện nay, một số tỉnh lân cận với Phú Yên đã xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vậy ngành thú y đã có những biện pháp đề phòng như thế nào?
- Chi cục đã chỉ đạo các trạm thú y cơ sở phối hợp với địa phương kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; có phương án, kế hoạch chống dịch cụ thể. Chúng tôi đã yêu cầu mạng lưới thú y các huyện, xã, thôn, buôn rà soát lại công tác chăn nuôi trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, đặc biệt đối với những ổ dịch cũ, những điểm mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật… nhằm đảm bảo phát hiện dịch bệnh sớm nhất để có biện pháp chống dịch kịp thời.
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho gia cầm - Ảnh: T.HƯƠNG
Xác định việc giám sát nguồn động vật hay các loại sản phẩm động vật nhập vào tỉnh là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác phòng chống dịch hiện nay, từ đầu tháng 9, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các huyện Sông Hinh và Sơn Hòa lập thêm 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các đầu mối giao thông nối liền Phú Yên với tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai theo quyết định của UBND tỉnh. Như vậy, hiện tỉnh đã có 5 trạm và chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông với các tỉnh lân cận, góp phần kiểm soát chặt việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào tỉnh. Tại các chốt và trạm kiểm dịch động vật này được tăng cường thêm lực lượng cảnh sát giao thông để phối hợp với cán bộ thú y hoạt động suốt ngày, đêm.
* Ông có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong tình hình hiện nay?
- Hiện thời tiết đang chuyển mùa, từ nắng sang mưa, là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút gây bệnh phát sinh và di chuyển trong môi trường. Mầm bệnh rất dễ lây lan mạnh từ vùng này sang vùng khác, phát tán thành ổ dịch… Để giảm thiểu thiệt hại, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan, người chăn nuôi nên áp dụng những biện pháp như: Hạn chế tiếp xúc giữa động vật trung gian truyền bệnh với vật nuôi như chó, mèo, chuột; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; thu gom phân, rác và chất thải động vật hàng ngày để xử lý bằng thuốc sát trùng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; gia cố lại chuồng trại chăn nuôi đảm bảo đủ ấm cho gia súc khi mùa mưa đến. Ngoài ra, người nuôi cần tăng cường dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm bằng các loại vitamin và khoáng chất, không để vật nuôi bị đói để tránh bị suy kiệt dẫn đến dễ dàng nhiễm các loại vi rút gây bệnh. Đặc biệt người chăn nuôi cần thực hiện theo tiêu chí “5 không” trong chăn nuôi, gồm: Không dấu dịch, không mua động vật và sản phẩm động vật bệnh, không vận chuyển động vật bệnh ra khỏi vùng bệnh, không vứt bừa bãi xác động vật ra môi trường.
Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)