Thứ Tư, 27/11/2024 14:48 CH
Các hộ cận nghèo:
Cần được vay vốn để thoát nghèo bền vững
Thứ Sáu, 14/09/2012 07:35 SA

Hiện các hộ nghèo của tỉnh được hưởng nhiều ưu đãi về nhà ở, y tế, tín dụng chính sách… trong khi đó, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo lại phải loay hoay tự tìm giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống. Vì vậy cần có những chính sách ưu đãi để các đối tượng này được thoát nghèo bền vững.

 

vbsp120914.jpg

Hộ nghèo làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên - Ảnh: P.NAM

NHIỀU HƯỚNG “THOÁT NGHÈO”

Cách đây không lâu, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo ở thôn Sơn Thọ (xã Sơn Thành Tây, Tây Hòa) vẫn còn là một trong những hộ khó khăn nhất vùng. Năm 2008, bà Thảo vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng sắn, bắp, nuôi bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn, trong mấy năm qua, kinh tế của gia đình dần khá lên, có đồng ra đồng vô trang trải cho cuộc sống. Đầu năm 2012, nhà bà Thảo đủ chuẩn thoát khỏi diện hộ nghèo, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì chồng bà đổ bệnh nặng. Bao nhiêu tiền của trong nhà đều “đội gánh ra đi” sau những đợt điều trị dài ngày, vậy mà chồng bà cũng không qua khỏi. “Trước đây, nhà có vợ có chồng thì hai người cố gắng làm lụng nuôi con. Giờ chồng không còn, con gái tôi một đứa làm ruộng phụ mẹ còn một đứa cũng đang bệnh nặng. Năm nay mùa màng thất bát, giá sắn rớt liên tục, có chút vốn làm ăn thì gia đình đã trả cho ngân hàng khi hết hạn vay. Từ nay, mẹ con tôi lại tiếp tục bữa đói bữa no”, bà Thảo buồn rầu nói.

Cũng thuộc diện mới thoát nghèo nhưng gia đình ông Rơ Chăm Thạch ở thôn Tân Lương (xã Sơn Hội, Sơn Hòa) vẫn còn khó khăn. Nhà ông Thạch có 4 người, hai đứa con vẫn còn đi học, hai vợ chồng đi làm mướn, không có đất canh tác nên cũng chẳng có nguồn thu nhập nào khác. Bà Kpá Thị Tem, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hội cho biết: Mấy năm trước, hộ Rơ Chăm Thạch vẫn thuộc diện hộ nghèo và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò. Tuy nhiên, vì không chí thú làm ăn, đàn bò không những không sản sinh thêm mà còn bị teo tóp dần. Hiện gia đình ông Thạch vẫn còn khó khăn, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì khi họp bình xét hộ nghèo thì được “thoát nghèo”. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hội đã can thiệp để hộ ông Thạch được xét thuộc diện hộ nghèo, tiếp tục được vay vốn chính sách, phát triển kinh tế gia đình và có tiền trả nợ cho ngân hàng. Thế nhưng, ban bình xét hộ nghèo của thôn Tân Lương nhất quyết không đồng ý vì cho rằng ông Thạch lười biếng, không chịu làm ăn thì không xứng đáng được vay vốn ưu đãi.

Theo bà Tem, hiện có không ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đông con, kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng không tích cực lao động mà vẫn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, một số nơi vì chạy theo chỉ tiêu thoát nghèo hàng năm cũng đã để sót rất nhiều hộ còn thiếu trước hụt sau, cần được tiếp tục vay vốn sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện.

ĐỂ HỘ VAY THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Theo ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, những hộ vừa thoát khỏi diện nghèo, thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Với phương thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì đôi khi, chỉ sau một đợt dịch bệnh, thiên tai, người nhà đau ốm hoặc con cái đi học là họ “đứt” vốn. Đến khi đáo hạn, nếu ngân hàng thu hết cả nợ gốc lẫn lãi, hộ mới thoát nghèo không còn nguồn để tái đầu tư thì rất dễ tái nghèo. Những trường hợp này cũng rất khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại vì tài sản thế chấp gần như không có; chưa có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hiện ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh, chỉ cách nhau có 1.000 đồng bình quân thu nhập/tháng/người. Chính phủ cần có chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo để họ có vốn làm ăn, thoát nghèo bền vững, đảm bảo chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, nếu chỉ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi mà không hỗ trợ kiến thức làm ăn, kỹ năng tích lũy đồng vốn thì hộ cận nghèo rất khó thoát nghèo bền vững và khả năng tái nghèo cao. Vì vậy, các hội đoàn thể cần phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn người vay cách sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyên cho biết: Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên vẫn linh hoạt xem xét cho các hộ mới thoát nghèo được vay vốn thêm 2, 3 năm nữa để họ ổn định cuộc sống, có cơ hội thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc điều tra, rà soát những đối tượng này sẽ phải rất chặt chẽ để tránh tâm lý ỷ lại vào nguồn vốn chính sách của một số hộ dân không chăm chỉ làm ăn, tìm cách vươn lên thoát nghèo.

 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 thì hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm trở xuống). Hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm trở xuống). Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

LÊ HẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek