Rệp sáp hồng hại sắn đã xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh với diện tích bị hại khoảng 80ha. Để phòng ngừa rệp sáp hồng lây lan đến Phú Yên, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa nhằm khống chế sự phát tán lây lan…
Rệp sáp bột hồng trên lá sắn. |
Rệp sáp hồng (Phenacocua manihoti), có nguồn gốc phát sinh ở Paraguay (Nam Mỹ) đã di thực tới nhiều nơi trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện mới ghi nhận được sự xuất hiện của rệp sáp hồng hại sắn ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Philippines. Tại Thái Lan, diện tích sắn bị nhiễm rệp sáp hồng khoảng 167.000ha; tại Campuchia một số cánh đồng sắn ở các tỉnh biên giới với Thái Lan đã ghi nhận có sự hiện diện của rệp sáp hồng với diện tích sắn bị nhiễm hơn 237ha. Từ năm 2010, với nhận định nhiều khả năng rệp sáp hồng sẽ lây lan sang Việt Nam nên Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã có nhiều bước chuẩn bị đối phó với dịch hại nguy hiểm này. Trong năm 2011, Cục Bảo vệ thực vật cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật tập huấn về nhận dạng và nhân nuôi ong ký sinh trừ rệp sáp hồng hại sắn. Sau nhiều đợt kiểm tra, đến cuối tháng 6/2012, ngành bảo vệ thực vật đã phát hiện sự xuất hiện gây hại của rệp sáp hồng hại sắn tại Tây Ninh, tỉnh biên giới giáp với Campuchia, với diện tích bị hại khoảng 80ha.
Mới đây, bà Morales Abubakar Alma Linda Cruz , chuyên gia của Văn phòng FAO-IPM tại Bangkok (Thái Lan) đã làm việc tại Phú Yên cho biết, sắp tới tổ chức FAO sẽ phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật triển khai các hoạt động cấp bách nhằm ngăn ngừa sự phát triển lây lan của rệp sáp hồng tại Việt Nam. Trước mắt sẽ tổ chức một khóa đào tạo cán bộ kỹ thuật về rệp sáp hồng và cách phòng trừ, hỗ trợ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh phòng nhân nuôi ong ký sinh. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xúc tiến du nhập ong ký sinh A. lopezi, một thiên địch của rệp sáp hồng hoạt động rất có hiệu quả tại Thái Lan trong thời gian qua.
Như vậy, có khả năng rệp sáp hồng đã xuất hiện ở nhiều vùng sắn của Việt Nam và không loại trừ sự xuất hiện của chúng ở Phú Yên. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác điều tra sơ bộ trên cây sắn và phát hiện kịp thời đối tượng rệp sáp hồng để có biện pháp quản lý nhằm khống chế sự phát tán lây lan ra diện rộng, bảo vệ an toàn cho cây sắn ở Phú Yên.
N.NHƯ (tổng hợp)