Hoạt động sản xuất zeolite hạt từ bentonit, diatomit và đất cao lanh của một số doanh nghiệp tại núi Chóp Chài (TP Tuy Hòa) đã diễn ra nhiều năm nay mà không phù hợp với quy hoạch. Mặc dù đã hết thời gian gia hạn hoạt động, nhưng các doanh nghiệp không chịu tháo dỡ nhà xưởng.
Công nhân Công ty Sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ phơi zeolite hạt - Ảnh: T.TIÊN
HẾT THỜI HẠN VẪN TỒN TẠI
Từ nhiều năm nay, tại khu vực phía bắc núi Chóp Chài thuộc xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) tồn tại 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm zeolite hạt dùng để cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, điều đáng nói là 4 cơ sở này chưa được cấp phép đầu tư và xây dựng nhà xưởng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Thành Danh (Công ty Thành Danh) cho biết: Công ty đã xây dựng nhà xưởng và sản xuất zeolite hạt tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến từ năm 2005.
Tuy nhiên, hợp đồng thuê sân kho của HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 của công ty này để xây dựng nhà xưởng đã hết hạn từ năm 2008. Và việc HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 cho Công ty Thành Danh thuê đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại và vận tải Trí Huệ (Công ty Trí Huệ), Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) và Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Hai Phú (Công ty Hai Phú) cũng không có giấy phép đầu tư và xây dựng nhà xưởng sản xuất sản phẩm zeolite hạt. Do hồ sơ chưa đầy đủ nên các thủ tục liên quan, như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… cũng không đầy đủ. Riêng Công ty Trí Huệ, năm 2011 xin xây dựng nhà kho nông sản tại địa điểm xưởng sản xuất zeolite hạt ở thôn Phú Vang và được UBND tỉnh chấp thuận. Theo thông báo của UBND tỉnh, Công ty Trí Huệ được phép xây dựng nhà kho trên diện tích đất 6.610m2 với mục đích dự trữ nông sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản trong tỉnh và khu vực lân cận. Khi kiểm tra thực tế, tại kho chứa nông sản của Công ty Trí Huệ không chứa một loại nông sản nào, thay vào đó, chứa hàng trăm tấn khoáng sản đã được đóng bao, và hàng chục máy ly tâm sản xuất zeolite hạt đang hoạt động. Cạnh nhà kho, hàng chục công nhân ngang nhiên khai thác đất cao lanh, mặc dù việc khai thác khoáng sản ở khu vực này đã bị nghiêm cấm.
KHÔNG CHỊU THÁO DỠ
Năm 2010, các doanh nghiệp này đã có đơn xin UBND tỉnh gia hạn hoạt động sản xuất sản phẩm zeolite hạt và được chấp thuận tiếp tục hoạt động trong 2 năm. Thông báo của UBND tỉnh nêu rõ: Đến hết ngày 22/4/2012 các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản tại khu vực núi Chóp Chài thuộc xã Bình Kiến phải chấm dứt hoạt động, tự tháo dỡ nhà xưởng. Thế nhưng, đến nay thời hạn hoạt động đã hết hơn 4 tháng, nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa chịu tháo dỡ nhà xưởng.
Xưởng sản xuất zeolite hạt của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Việt Nhật vẫn đang hoạt động - Ảnh: T.TIÊN
Theo ông Đỗ Duy Chí, Giám đốc Công ty Hai Phú, chi phí xây dựng nhà xưởng sản xuất rất lớn, UBND tỉnh đã gia hạn thời gian hoạt động thêm 2 năm để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư. Còn ông Đoàn Cao Liêm, Giám đốc Công ty Việt Nhật thì cho biết, hiện lượng hàng tồn kho khoảng 500 tấn bột bentonit, vì vậy công ty xin gia hạn thêm 2 năm nữa để sản xuất và tiêu thụ hết lượng nguyên liệu để thu hồi vốn đã đầu tư.
Tương tự, các doanh nghiệp khác cũng muốn gia hạn thêm thời gian hoạt động để thu hồi vốn. Đây là lý do chính mà các doanh nghiệp không chịu tháo dỡ nhà xưởng sản xuất zeolite hạt. Với kiểu “được voi đòi tiên” như vậy, không biết đến bao giờ tình trạng hoạt động trái phép của các doanh nghiệp sản xuất zeolite hạt tại núi Chóp Chài mới chấm dứt.
CẦN SỚM XỬ LÝ DỨT ĐIỂM
Ông Trần Hiền, quyền Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: “Theo quy hoạch, tại khu vực phía bắc núi Chóp Chài không cho phép xây dựng các nhà xưởng sản xuất sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. UBND TP Tuy Hòa có kế hoạch đăng ký làm việc với UBND tỉnh và vẫn giữ quan điểm giải tỏa toàn bộ các cơ sở hoạt động chế biến sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trái phép tại đây”.
Theo Sở TN-MT, việc sản xuất, chế biến các sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp tại khu vực núi Chóp Chài là không đúng quy định, vì chưa hoàn tất thủ tục đầu tư và không phù hợp với quy hoạch. Nguồn nguyên liệu bentonit mà các doanh nghiệp sử dụng là mua của một số doanh nghiệp ở huyện Sơn Hòa không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác. Ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các hợp tác xã cho các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, kinh doanh sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản không đúng quy định. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan quy hoạch khu vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản để sản xuất tập trung, không gây ảnh hưởng đến môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ sở khai thác, chế biến và kinh doanh trái phép các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu đầu vào là diatomit, bentonit.
T.TIÊN - A.NGỌC