Phú Yên hiện có 41 hồ thủy lợi với tổng dung tích khoảng 62,5 triệu m3 nước phục vụ tưới cho hơn 5.900ha đất canh tác. Đa số các hồ này đang xuống cấp, cần sớm sửa chữa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Một góc Hồ chứa nước Phú Xuân - Ảnh: N.TRƯỞNG
NHIỀU HỒ CHỨA XUỐNG CẤP
Phần lớn các hồ thủy lợi ở Phú Yên được xây dựng từ lâu, thuộc loại nhỏ, xả lũ bằng hình thức tràn tự do, các địa phương quản lý, khai thác không có quy trình vận hành, điều tiết. Qua nhiều năm khai thác, một số hồ hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, tỉnh có một số công trình có quy mô vừa và lớn, xả lũ bằng hình thức xả sâu, có quy trình vận hành điều tiết, như hồ chứa nước Phú Xuân (Đồng Xuân), hồ chứa nước Đồng Tròn (Tuy An).
Hồ chứa nước Phú Xuân khi xả lũ gây xói lở dần về phía tuyến kênh chính, lâu dài có thể ảnh hưởng đến chân đập đất và kênh chính. Theo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, đối với hồ chứa nước Phú Xuân mái thượng lưu đập, hệ thống thoát nước hạ lưu, cống lấy nước, đường quản lý, nhà quản lý công trình đầu mối bị xuống cấp; vai hữu tràn xả lũ bị rò rỉ, hạ lưu tràn xả lũ bị xói lở nghiêm trọng. Còn hồ chứa nước Đồng Tròn thì sân thượng lưu tiếp giáp với cửa tràn bị lún từ 0,8 đến 1m, gây sụp lún lớp đá xây trên mặt, cửa kính tháp tràn xả lũ bị vỡ.
Ông Bùi Văn Định, Trạm trưởng Trạm thủy nông Phú Xuân, cho biết: Hồ chứa nước Phú Xuân có dung tích khoảng 12 triệu m3, sau khi phục vụ tưới cho vụ hè thu, hồ đang xả nước để sửa chữa các hư hỏng, dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 8/2012. Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và triển khai công tác phòng chống lụt bão, công tác an toàn hồ đập… đến người dân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là rừng đầu nguồn hồ chứa nước Phú Xuân bị chặt phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và an toàn hồ khi mùa mưa lũ đến.
Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện chương trình an toàn hồ chứa, từ năm 2009 đến nay, Phú Yên đã sửa chữa, nâng cấp một số hồ, như: hồ chứa nước Bà Mẫu (Tuy An), hồ chứa nước Suối Bùn, nối dài tràn xả lũ hồ chứa nước Ba Võ (Sơn Hòa), sửa chữa tràn xả lũ, mái bảo vệ hạ lưu đập đất, cống lấy nước, đường quản lý hồ chứa nước Hóc Răm (Tây Hòa). Ngoài ra, còn một số hồ chứa thủy lợi khác được sửa chữa, như hồ chứa nước Tân Lập (Sông Hinh), hồ chứa nước Đồng Khôn và hồ chứa nước Hòn Dinh (Đông Hòa), hồ chứa nước Giếng Tiên và hồ chứa nước Cây Da 1 (Sơn Hòa)… Các công trình sau khi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn tích nước đạt dung tích thiết kế, chủ động công tác điều tiết nước trong mùa mưa, an toàn công trình đầu mối và các hộ dân sống ở hạ lưu đập. Đối với các hồ chứa thủy lợi do các địa phương quản lý, phần lớn được xây dựng từ lâu nên mức độ an toàn không cao. Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa cần có nguồn vốn lớn, nhưng nguồn thu của tỉnh lại hạn chế, các địa phương, đơn vị chỉ sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa lớn rất hạn chế vì ngân sách của tỉnh phân bổ cho công tác này hàng năm còn ít.
Hồ chứa nước Phú Xuân (Đồng Xuân) đang xả khô nước để sửa chữa mái thượng lưu đập - Ảnh: A.NGỌC
PHẢI XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGẬP LỤT
Đối với các hồ chứa thủy điện, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nak. Các đơn vị quản lý các hồ này và hồ Ia M’Lá trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã lập quy chế phối hợp vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Ba, nhưng cũng chủ yếu thông tin về xả lũ. Tuy các đơn vị quản lý hồ có nhiều cố gắng, nhưng với tình hình mưa tập trung, độ dốc lưu vực và lòng sông lớn, lũ về nhanh, các trạm quan trắc khí tượng thủy văn còn thưa nên việc vận hành giảm lũ cho hạ du rất khó khăn. Ông Lê Chí Trọng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: “Hàng năm, hạ du sông Ba luôn bị ảnh hưởng nặng do xả lũ nên cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện cũng phải tham gia phòng chống lũ, hỗ trợ phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng lũ. Hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh phải xây dựng bản đồ ngập lụt chung cho hạ du”.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết thêm: Sở NN-PTNT và Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương, ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa do đơn vị quản lý, đề xuất phương án sửa chữa các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ. Đồng thời, rà soát nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hồ theo quy định. Sở NN-PTNT cũng đánh giá việc vận hành điều tiết hồ theo quy trình đã được phê duyệt, lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập”
A.NGỌC - T.HƯƠNG