Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, gay gắt nhất là từ cuối tháng 3 đến nay. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, chất cấm, giá sản phẩm chăn nuôi liên tục tụt giảm và giảm thấp nhất kể từ 2 năm gần đây. Người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng, bình quân 1kg heo hơi lỗ 6.000-8.000 đồng và 1kg thịt gà lỗ 5.000-7.000 đồng.
Tại Phú Yên, trong tuần qua, tình hình heo bị bệnh chết xảy ra nhiều nơi, người chăn nuôi sợ lây lan vội bán tháo đàn với giá rẻ, lại càng “thiệt đơn, thiệt kép”. Còn trước đó, người nuôi gà, vịt, cút lấy trứng cũng bị lỗ nặng do giá trứng rớt liên tục, trong khi giá thức ăn gia súc liên tục tăng cao. Nhiều hộ không cầm cự nổi đã cắt giảm đàn hoặc “treo” chuồng.
Trước tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi đóng cửa, người nông dân bỏ trống chuồng do thua lỗ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay cho sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các ngân hàng tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu…
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất chăn nuôi đang là việc làm rất cần thiết hiện nay. Trước mắt cần thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện người chăn nuôi khôi phục lại sản xuất nhằm bảo đảm cho việc cung cấp thực phẩm ổn định không xảy ra hụt nguồn cung gây biến động thị trường, nhất là dịp tết sắp đến.
Thực tế, hiện nay, người chăn nuôi còn gặp quá nhiều rủi ro. Khi vật nuôi bị dịch bệnh, họ như mất trắng vì chưa thực hiện được bảo hiểm trong lĩnh vực chăn nuôi. Còn trong điều kiện sản xuất như trong những tháng vừa qua, người chăn nuôi phải gánh chi phí quá cao về con giống, thuốc thú y, giá thức ăn gia súc tăng liên tục, nên khi bán sản phẩm, thu không đủ bù chi phí sản xuất; hộ càng nuôi nhiều càng lỗ nặng. Thế nhưng, sản phẩm ấy đến tay người tiêu dùng lại đội giá lên rất cao. Giá thịt heo, gà, vịt tại các chợ vẫn không hề giảm; người bán các sản phẩm chăn nuôi vẫn thu lợi nhuận cao trong khi người sản xuất chăn nuôi lỗ thê thảm. Nghịch lý này đang là thách thức không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bên cạnh tìm cách giúp người chăn nuôi hạ giá thành sản phẩm, các ngành chức năng cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tiếp tục tìm kiếm thị trường, tổ chức liên kết, hợp tác giữa người sản xuất chăn nuôi với doanh nghiệp thương mại để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng bằng con đường ngắn nhất, bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi; đồng thời kiến nghị về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn kể cả sửa đổi, bổ sung chính sách mới nhằm phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định.
MAI ANH