Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên hơn 506.000ha, trong đó đất thuộc ba loại rừng và quy hoạch lâm nghiệp gần 250.000ha. Năm 2011, có 64 xã biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài nỗ lực bảo vệ rừng tự nhiên, những năm gần đây, ngành lâm nghiệp triển khai nhiều giải pháp phát triển rừng, phấn đấu nâng độ che phủ đạt kế hoạch đề ra.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
RỪNG TỰ NHIÊN GIẢM
Theo Chi cục Kiểm lâm, trong số 64/112 xã, phường, thị trấn có biến động về rừng và đất lâm nghiệp, nhiều nhất là huyện Tuy An (12/16 xã), Sơn Hòa (11/14 xã), Đồng Xuân (10/11 xã) và Sông Hinh (9/11 xã). Năm 2011, tổng diện tích rừng tự nhiên biến động theo chiều hướng giảm với gần 945ha so với năm 2010, trong đó huyện Sông Hinh giảm gần 473ha, Sơn Hòa hơn 236ha, Đồng Xuân gần 120ha và Tây Hòa hơn 112ha. Nguyên nhân là do người dân phát rừng làm rẫy và công tác cập nhật, bổ sung hiện trạng rừng giữa bản đồ gốc và thực địa có sự sai lệnh.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm, tổng diện tích rừng trồng năm 2010 trên 52.855ha, đến năm 2011 tăng thêm gần 4.100ha. Nhiều nhất là huyện Đồng Xuân với gần 1.100ha, Sơn Hòa hơn 925ha. Diện tích rừng trồng ở các huyện Sông Hinh, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu tăng từ 315-477ha. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, diện tích rừng trồng tăng là do các dự án trồng rừng 661, chương trình 5 triệu hécta rừng, dự án Plitch (dự án Phát triển lâm nghiệp, cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên), Kfw6 (dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững do Chính phủ Đức hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên)…, góp phần nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên gần 57.000ha. Ông Công cho biết thêm, hiện tổng diện tích đất khác, chủ yếu là đất rẫy, đã biến động theo chiều hướng giảm hơn 2.800ha so với năm 2010.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2010 gần 250.000ha, trong đó đất có rừng hơn 165.000ha, đến năm 2011 tăng thêm hơn 200ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phần diện tích tăng thuộc vùng khoanh nuôi phục hồi rừng của dự án Kfw6. Trên thực tế, diện tích đất lâm nghiệp năm 2011 giảm 11ha do chuyển đổi mục đích. Trong khi diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất tăng từ 300-400ha so với năm 2010 (rừng phòng hộ tăng hơn 411ha, rừng sản xuất tăng gần 305ha), thì rừng đặc dụng lại giảm hơn 191ha, trong đó rừng tự nhiên giảm gần 141ha. Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh chiếm gần 50% diện tích tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng chiếm hơn 27.000ha (gồm rừng đặc dụng Đèo Cả và Krông Trai), rừng phòng hộ các địa phương chiếm gần 110.000ha.
ĐỘ CHE PHỦ KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Theo Sở NN-PTNT, độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện chiếm khoảng 35,1% diện tích tự nhiên, tăng 0,70% so với năm 2010. Tuy nhiên, độ che phủ rừng ở các địa phương lại không đồng đều, thậm chí có sự chênh lệch lớn. Huyện Tây Hòa có độ che phủ rừng lớn nhất với 54,5%, Sơn Hòa (40,3%), Sông Hinh (38,3%), Đồng Xuân (31,3%). Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhận định, độ che phủ rừng hiện nay tăng nhưng không đáng kể. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên có biến động theo chiều hướng giảm, rừng trồng mới lớn tăng nhưng lại chưa được tính vào độ che phủ rừng của tỉnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng là kinh phí còn hạn chế, gây khó khăn trong thu thập thông tin ngoài thực địa và in ấn, cung cấp bản đồ hiện trạng rừng cho các đơn vị trực thuộc. Để bảo vệ và phát triển rừng cũng như theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng đề án giao rừng, cho thuê và thu hồi rừng giai đoạn 2011-2015. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc giao, cho thuê khoảng 165.000ha rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tiếp tục triển khai đề án giao, cho thuê và thu hồi rừng tỉnh Phú Yên năm 2012; tổ chức ký hợp đồng, bàn giao hiện trường khoán quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng cho các hộ gia đình với diện tích hơn 7.626ha, đồng thời tiếp tục triển khai dự án trồng rừng thay thế rẫy…
PHƯƠNG NAM