Hai phiến dầm cuối cùng có thể đưa vào vị trí trong 2 ngày, nhưng nhà thầu không thực hiện, dẫn đến công trình “đứng bánh” và chủ đầu tư phải kêu cứu.
Tiến độ thi công cầu An Hải tiếp tục ì ạch, hai phiến dầm cuối cùng vẫn chưa được lao - Ảnh: L.HẢO
Đầu tháng 7/2012, tại buổi làm việc với UBND tỉnh với sự có mặt của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn cùng Giám đốc các sở KH-ĐT, GTVT, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên tuyên bố sẽ thông xe kỹ thuật cầu An Hải vào dịp Quốc khánh 2/9 năm nay. Mọi người đều tin tuyên bố ấy sẽ trở thành sự thật vì những phiến dầm cuối cùng của cầu An Hải đã được đưa vào vị trí lao lắp. Thế nhưng sau đó, việc thi công công trình này gần như “đứng bánh” hoàn toàn. Trong suốt thời gian qua, Công ty 508 (nhà thầu phụ chịu trách nhiệm đúc và lao dầm cầu An Hải) không chịu đưa 2 phiến dầm còn lại vào vị trí, mặc dù thời gian thực hiện công việc chỉ mất.... 2 ngày. Điều này gây ảnh hưởng đến thi công các hạng mục còn lại của cầu An Hải như dầm ngang, mối nối dọc, bản mặt cầu, gờ chắn bánh và gối đỡ trụ điện, khe co giãn. Trước tình thế bức bách, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên đã đề nghị được thanh toán trực tiếp tiền lao 2 phiến dầm còn lại cho Công ty 508 nhưng đơn vị này không đồng ý. Ông Mạc Kim Công, Phó giám đốc Công ty 508 chi nhánh miền Trung cho biết: Công ty Thanh Châu còn nợ chúng tôi 710 triệu đồng khoản kinh phí lao các nhịp dầm nhưng không chịu thanh toán theo cam kết. Vì vậy Công ty 508 phải tạm dừng lao dầm những nhịp còn lại để buộc nhà thầu chính phải trả hết nợ chứ không sẽ rất khó khăn trong việc đòi tiền Công ty Thanh Châu.
Chính động tác gây áp lực của Công ty 508 mà công trình xây dựng cầu An Hải vốn đã chậm tiến độ càng chậm hơn. Song nguyên nhân chính trong việc này là do năng lực tài chính của Công ty TNHH một thành viên Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thanh Châu (nhà thầu chính) quá yếu. Theo ông Lê Viết Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên (nhà đầu tư cầu An Hải), mặc dù đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, thậm chí nhà đầu tư ứng trước kinh phí nhưng Công ty Thanh Châu không thể vay được vốn của ngân hàng để thi công các hạng mục còn lại. Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên đã thanh toán cho Công ty Thanh Châu tiền lao dầm nhưng nhà thầu chính không chịu trả tiền cho nhà thầu thực hiện lao dầm. Hiện nhà đầu tư công trình cầu An Hải đã ứng vượt so với khối lượng mà Công ty Thanh Châu thực hiện hơn 2 tỉ đồng nhưng đơn vị này vẫn không thực hiện công trình. Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên buộc phải chuyển giao phần đường dẫn hai đầu cầu An Hải cho Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Phú Yên thực hiện. Nhà thầu này cam kết sẽ thảm nhựa toàn bộ mặt đường dẫn và cầu nếu được bàn giao phần cầu vào 20/8/2012. Thế nhưng việc lao hai phiến dầm cuối cùng vẫn nhùng nhằng và trong ngày 4/8, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên đã phải cầu cứu UBND tỉnh can thiệp với Công ty 508 về việc tiếp tục lao dầm.
Cầu An Hải là công trình đầu tiên của tỉnh được thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) do Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình đầu tư. Đây là doanh nghiệp có uy tín với nhiều dự án lớn ở Việt Nam. Nhưng với công trình cầu An Hải, thương hiệu của Công ty Hòa Bình tại Phú Yên bị giảm sút đáng kể. Trong rất nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, việc chậm tiến độ cầu An Hải luôn được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh đưa ra chất vấn. Người dân huyện Tuy An thì gọi cầu An Hải là chiếc cầu treo. Và mỗi khi mùa mưa bão đến, nỗi lo ách tắc giao thông tại khu vực này cứ lớn dần. Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, cầu An Hải có được thông xe kỹ thuật như tuyên bố của lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình - Phú Yên hay không. Lãnh đạo tỉnh cũng như tất cả người dân Phú Yên đang chờ câu trả lời đó.
HOÀI TRUNG