Việc xây dựng, phát triển thương hiệu độc quyền cho sản phẩm góp phần nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu độc quyền.
Nhân viên DNTN Hà Trung (Sơn Hòa) đang làm “bò một nắng” - Ảnh: X.HUY
NƠI QUAN TÂM, NƠI THỜ Ơ
Tính đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN đã cấp hơn 600 giấy chứng nhận cho doanh nghiệp, nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và bằng độc quyền về giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều đơn vị ở Phú Yên chưa tham gia vào việc xây dựng thương hiệu độc quyền cho sản phẩm. Một phần nguyên nhân là hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Phú Yên có quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ hẹp nên chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá thương hiệu độc quyền. Năm 2007, Cơ sở sản xuất cà phê Hương Hương (TP Tuy Hòa) đã đăng ký thương hiệu độc quyền, tuy nhiên mãi đến năm 2011, cơ sở này mới tiến hành đăng ký logo thương hiệu. Tuy không bị vướng vào việc tranh chấp tên miền, tên sản phẩm với các đơn vị khác nhưng việc chậm đăng ký logo thương hiệu đã ảnh hưởng một phần đến việc bảo vệ các sản phẩm. Trong khi đó, DNTN Hà Trung (Sơn Hòa) lại gặp nhiều trở ngại trong việc đăng ký thương hiệu “bò một nắng”. Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ DNTN Hà Trung, cho biết: “Khi chúng tôi lập hồ sơ đăng ký, tên miền của doanh nghiệp lại trùng với tên của một cơ sở sản xuất khác ở tỉnh Thanh Hóa. Do không muốn bị mất thương hiệu sau bao năm vất vả mới gây dựng được nên chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để tháo gỡ. Mất hàng chục triệu đồng chi phí đi lại, in mẫu mã, bao bì sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đăng ký…, sau hơn ba năm rưỡi chờ đợi, doanh nghiệp mới được cấp thương hiệu “bò một nắng”.
Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thờ ơ với việc đăng ký thương hiệu độc quyền. Năm 2011, sản phẩm Tượng phật Thích Ca nhập niết bàn của Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An được bầu chọn là một trong 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở Phú Yên; nhưng cho đến nay cơ sở này vẫn chưa đăng ký logo, tên thương hiệu. Ông Lê Tấn An, chủ Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An, chia sẻ: Do quá bận bịu công việc, lại không vướng vào vụ việc tranh chấp nào nên đơn vị vẫn chưa vội đăng ký logo, thương hiệu. Trong thời gian đến, chúng tôi có thể sẽ xem xét việc đăng ký thương hiệu độc quyền để bảo hộ sản phẩm.
Đường TUCSUCO là thương hiệu độc quyền của Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
ĐỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU ĐỘC QUYỀN
Theo Sở KH-CN Phú Yên, việc xây dựng thương hiệu độc quyền giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động hơn trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Một thương hiệu mạnh sẽ tác động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, thu hút các đại lý tham gia phân phối sản phẩm cũng như tạo sự gắn kết, góp phần tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, một thương hiệu mạnh còn giúp doanh nghiệp dễ dàng quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, dễ tiếp cận các thị trường tiêu thụ cũng như được tham gia quá trình chuyển nhượng thương hiệu. Một khi vướng vào tranh chấp, nếu như không có thương hiệu, logo, nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ DNTN Hà Trung, từ khi được cấp chứng nhận thương hiệu, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày một được mở rộng; tên tuổi, uy tín của doanh nghiệp được đối tác, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, kéo theo đó là sự gia tăng các đơn đặt hàng sản xuất. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị không chỉ bó hẹp ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ mà còn được mở rộng trên cả nước.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu độc quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có chiến lược phát triển dài hạn, đảm bảo nguồn vốn cũng như đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm; có giá bán phù hợp, kèm theo đó là chế độ hậu mãi, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Việc xác lập thương hiệu độc quyền có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có ý thức hơn nữa trong việc kiểm tra quy trình sản xuất hàng hóa, từ đó hạn chế tối đa tình trạng sản phẩm bị lỗi, kém chất lượng. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận phản ánh từ phía khách hàng, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng kiểm tra, rà soát lại các khâu sản xuất cũng như thực hiện đầy đủ việc khắc phục sai sót, đảm bảo quyền và lợi ích cho khách hàng.
Thực tế cho thấy, một khi có thương hiệu độc quyền, doanh nghiệp sẽ chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Tấn Thình, Trưởng phòng Thông tin KHCN và SHTT (Sở KH-CN), cho biết: Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ngoài việc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng việc bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp theo đúng yêu cầu đặt ra.
XUÂN HUY