Trong 2 ngày 30-31/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2012, thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tháng 7 và7 tháng của năm 2012. Một trong những trọng tâm được các thành viên Chính phủ thảo luận và cho ý kiến đó là thúc đẩy và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, song thực sự phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 7 tháng qua tăng cao, song các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang gặp khó khăn về vốn để dự trữ nguyên liệu - Ảnh: N.TRƯỜNG
Các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội chung trong 7 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nổi bật là các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả; chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh; kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra…
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã dần phát huy tác dụng, kịp tháo gỡ khó khăn trước mắt về nguồn vốn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng tiêu thụ; tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tập trung đầu tư, sản xuất, hoặc cơ cấu lại và chuyển đổi mục đích sản xuất kinh doanh phù hợp… Trong tháng 7/2012, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định; hoạt động du lịch tiếp tục diễn ra sôi động, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 11,6% so với tháng trước… Bên cạnh đó, lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục có chuyển biến. Trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm cho trên 825.000 người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Những chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt trong thời gian qua là hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn…
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng giảm hai tháng liên tiếp và có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành; khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng;…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Chiều hướng chung là sẽ tiếp tục có những chuyển biến tốt hơn, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong đó nổi lên là tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và để đạt tăng trưởng từ 5,2-5,7% trong năm 2012 là hết sức khó khăn. Bình diện chung của doanh nghiệp là khó khăn, 90% vốn sản xuất, kinh doanh phải dựa vào ngân hàng; thu ngân sách đạt thấp…
Đềcập những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành vàđịa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; dự thảo Đề án phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp.
Theo TTXVN