Từ năm 2009 đến nay, huyện Sông Hinh triển khai chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương bằng các giống bò lai Sind, Zêbu hóa được nhập khẩu. Chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện.
Gia đình Ma Thoa, buôn Bầu (Ea Bá) vui mừng được nhận bò đực lai từ dự án - Ảnh: S.CA
Sông Hinh có đàn bò khoảng 20.000 con được nuôi nhiều tại các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Lâm, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng. Tuy nhiên, lượng lớn bò nuôi là giống bò cỏ, nhỏ con, nhẹ cân, được nuôi theo kiểu chăn thả, thức ăn chính dựa vào đồng cỏ tự nhiên, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực trạng này, huyện Sông Hinh triển khai dự án cấp bò đực giống cho các thôn, buôn nhằm cải thiện chất lượng đàn bò địa phương.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, chương trình cấp giống bò lai Sind, Zêbu hóa cho các thôn, buôn triển khai từ năm 2009. Các đối tượng nhận bò là những hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, có nhu cầu chăn nuôi bò, có chuồng trại, biết cách trồng cỏ, sử dụng phế trong nông nghiệp làm thức ăn cho bò... Về phía các hộ được cấp bò phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bò đực lai, tích cực phối giống với bò cái địa phương để cho sinh sản những con bê có tỉ lệ máu lai 50%. Ông Lê Ô Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Hàng năm huyện trích ngân sách 150 triệu đồng để mua giống bò lai Sind, Zêbu cấp cho các xã. Đến nay huyện đã cấp cho các xã Ea Bia, Ea Trol, Ea Bar, Ea Bá và thị trấn Hai Riêng được 26 con...
Mí Phương ở buôn Ken, xã Ea Bá vui mừng cho biết gia đình mí được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống Zêbu. Từ khi nhận nuôi con bò đực giống này, bò cái của nhà mí và các hộ trong buôn được phối giống, bê con sinh ra đều khỏe mạnh, ăn nhiều. Tương tự, gia đình Ma Thoa ở buôn Bầu (Ea Bá), Ma Hong ở buôn La Diêm (thị trấn Hai Riêng), Ma Lôi ở buôn Kít và Y Thoàng ở thôn Suối Dứa (Sông Hinh)... rất vui mừng vì được Nhà nước hỗ trợ bò đực giống, giúp cải thiện đàn bò của gia đình mình và các gia đình khác trong thôn, buôn.
Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, đến nay đã có khoảng 50 con bê được lai tạo. Ông Ma Thoa ở buôn Bầu (Ea Bá) cho biết: Trong buôn chỉ có gia đình tôi được hỗ trợ bò đực, vì vậy gia đình rất tích cực chăm sóc và phối giống cho bò cái địa phương của các hộ khác. Đã có gần 20 con bê sinh ra từ sự phối giống của con bò đực giống này. Oi Nhe ở buôn Bầu, (Ea Bá) phấn khởi cho biết: Từ khi có bò đực lai của nhà Ma Thoa phối giống, các bò cái nhà tôi đã sinh sản 5 con bê lai to khỏe. Vừa rồi gia đình bán bớt hai con gần 15 triệu đồng để sửa chữa nhà. So với giống bò cỏ địa phương, giá trị của bò lai cao hơn nhiều.
Theo ông Lê Ô Y Thảo, bước đầu dự án đã cho kết quả nhất định, tỉ lệ đàn bò lai của huyện đạt khoảng 19% tổng đàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn, nhiều hộ nhận bò đực giống ý thức vẫn còn kém, chưa biết cách chăm sóc nên bò gầy yếu, có con bị chết, không phát huy được tác dụng lai tạo giống. Đồng thời, tập quán chăn thả rông cũng là một trong những hạn chế lớn trong việc lai tạo giống vì đàn bò thường xuyên bị đưa đi xa, khi có nhu cầu phối thì không có con giống. Ngoài ra, nhu cầu thức ăn chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn vì đồng cỏ chăn thả bị thu hẹp, trong khi đó ý thức dự trữ rơm rạ, trồng cỏ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế nên số lượng bê lai sinh ra cũng phát triển chưa tốt. Để khắc phục tình trạng này, Phòng NN-PTNT huyện đang tiếp tục triển khai các mô hình trồng cỏ nuôi bò, hướng dẫn bà con cách xử lý, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết thời gian tới, phòng tiếp tục triển khai dự án cấp bò đực giống từ các giống bò lai Sind, Zêbu để cải tạo đàn bò. Tuy nhiên, phương thức thực hiện sẽ được thay đổi từ việc cấp đều bò đực cho các xã thì chỉ tập trung cấp cho một thôn, buôn điển hình có đủ điều kiện chăn nuôi như: bà con có chuồng trại nuôi, đất trồng cỏ nuôi bò và đồng cỏ tự nhiên... để tập trung đẩy mạnh tỉ lệ bò lai tại thôn này, từ đó sẽ nhân rộng sang các thôn, buôn lân cận...
SƠN CA