Nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các giải pháp tiền tệ, tín dụng những tháng cuối năm. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên xung quanh vấn đề này. Ông Khố cho biết:
Thời gian tới, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên sẽ đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Đông Á Phú Yên - Ảnh: L.HẢO
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Phú Yên có nhiều cố gắng trong việc cho vay nhằm duy trì sản suất kinh doanh, ưu tiên vốn cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Mặc dù tổng dư nợ đến hết tháng 6/2012 trên địa bàn tỉnh đạt 10.370 tỉ đồng, giảm 216 tỉ đồng so với đầu năm nhưng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp và nông thôn chiếm gần 40% tổng dư nợ, tăng 601 tỉ đồng so với đầu năm 2012. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) tại Phú Yên cũng đã tích cực giải ngân vốn cho các đối tượng chính sách vay nhằm đảm bảo an sinh xã hội, với tổng dư nợ 1.391 tỉ đồng, tăng 64 tỉ đồng so với đầu năm.
* Hiện tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cao hơn năm 2011. Theo ông, nguyên nhân do đâu và ngành Ngân hàng Phú Yên có giải pháp gì để giảm nợ xấu?
- Tổng số nợ xấu đến cuối tháng 6/2012 của các tổ chức tín dụng ở Phú Yên ở mức 513 tỉ đồng, tăng 279 tỉ đồng so với đầu năm, chiếm 4,95% tổng dư nợ. Nợ xấu tăng là do thị trường bất động sản đóng “băng”; các mặt hàng nông, hải sản xuất khẩu giảm sút; doanh nghiệp sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư vào các đối tượng trung dài hạn như máy móc thiết bị, nhà xưởng, văn phòng…, đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, gây ra tình trạng mất cân đối tài chính… Do vậy, tùy trường hợp cụ thể, các tổ chức tín dụng sẽ có biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Về cơ bản, ngân hàng yêu cầu khách hàng có nợ xấu củng cố năng lực quản trị điều hành, cơ cấu lại tài chính, chấp nhận một khoản lỗ để tiêu thụ hàng tồn kho, bán các tài sản đã đầu tư dàn trải, tích cực thu hồi các khoản phải thu… để trả nợ cho ngân hàng. Trường hợp các đối tượng vay vốn không còn hoạt động, ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa và yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ. Khó khăn lớn nhất mà ngân hàng phải đối mặt là việc xử lý tài sản đảm bảo mất nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều thủ tục… Để giúp ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, sớm giải quyết theo quy định pháp luật.
* Đến nay, dư nợ của bốn nhóm ngành ưu tiên ở Phú Yên còn thấp. Các ngân hàng thương mại làm gì để đẩy mạnh cho các đối tượng này vay vốn, thưa ông?
- Việc cho vay bốn nhóm ưu tiên hiện còn thấp do các yếu tố kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi, các doanh nghiệp vẫn chưa tiêu thụ được hàng hóa và tùy thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, mùa vụ nuôi trồng, chế biến… Khi các giải pháp hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13 của Chính phủ phát huy tác dụng, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay.
Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký nhiều hợp đồng tín dụng với lãi suất thấp từ 11-13% cho các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhưng các doanh nghiệp này vẫn không rút vốn để hoạt động. Đến giữa tháng 7/2012, dư nợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở Phú Yên vay lãi suất ưu đãi từ 13% trở xuống đạt 577 tỉ đồng. Đây là nỗ lực lớn của ngân hàng trong điều kiện nguồn vốn huy động tại chỗ có chiều hướng giảm, phải mua vốn từ hội sở chính với mức lãi suất cao hơn lãi suất huy động tại chỗ.
* Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất nợ cũ không quá 15%/năm. Việc thực hiện quy định này trên địa bàn Phú Yên như thế nào?
- Theo yêu cầu của Thống đốc, các ngân hàng ở Phú Yên đã rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ theo chỉ đạo của từng hệ thống và tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa là 15%/năm từ ngày 15/7 để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Hiện chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại Phú Yên yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương này.
* Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?
Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng thương mại của tỉnh sẽ tích cực, chủ động rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, thị trường tiêu thụ và những khó khăn của khách hàng để thực hiện việc cơ cấu lại nợ; giảm, miễn lãi vay theo quy định; cho vay mới đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi… Các tổ chức tín dụng ở Phú Yên cũng sẽ thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Ngân hàng cần áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức rủi ro của khoản vay, tiết kiệm tối đa chi phí…; đồng thời chủ động, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa là 15%/năm nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)