Phát triển Kinh tế Xanh đang trở thành mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và lựa chọn chính sách phát triển của nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đi đôi với duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ảnh minh họa: Internet
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ “NÂU” SANG “XANH”
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong phát triển kinh tế nhưng Việt Nam cũng đã bộc lộ rõ những yếu tố chưa thực sự bền vững. Hiện Việt Nam có chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp, chưa hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu. Tăng trưởng kinh tế mới chỉ dựa vào khai thác tài nguyên với cường độ cao, trong khi trình độ công nghiệp còn lạc hậu, lại chậm đổi mới nên mức độ tiêu tốn năng lượng, nước, nguyên vật liệu lớn. Bên cạnh đó tình trạng suy kiệt nguồn nước đang diễn ra, nhiều loại khoáng sản đang dần dần bị cạn kiệt và chưa được quản lý tốt. Đa dạng sinh học bị suy giảm và môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và những diễn biến về thay đổi khí hậu toàn cầu đang tăng nhanh. Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với Việt Nam trong thế kỷ 21. Chính vì vậy, phát triển Kinh tế Xanh được xem là một chiến lược cần thiết để đạt được phát triển bền vững. Phát triển Kinh tế Xanh không những giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống con người.
Tại Diễn đàn “Kinh tế Xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Khung chiến lược tăng trưởng Xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050. Trong Khung chiến lược, ba mục tiêu chính được nhấn mạnh như giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể như giảm lượng phát khí thải nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% cho giai đoạn 2011-2020 và từ 35%-45% cho giai đoạn 2020-2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42% - 45% trong giai đoạn 2010 - 2020 và 80% trong giai đoạn 2020-2030. Ngoài ra, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải...
Với các mục tiêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp. Đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; nghiên cứu ban hành và sử dụng các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật và xây dựng hệ thống thông tin tư liệu về tăng trưởng xanh. Việc huy động nguồn vốn và cơ chế tài chính; chủ động tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu; đào tạo và phát triển nhân lực; tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ...
NHỮNG THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC
Từ đó, cho thấy việc xây dựng chiến lược phát triển Kinh tế Xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Đó là ngành sản xuất năng lượng sạch chưa phát triển; thiếu vắng những ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường; đa dạng sinh học bị suy giảm mạnh, diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp.
Một trong những thách thức đối với Việt Nam trong việc phát triển Kinh tế Xanh hiện nay là cần phải có sự ủng hộ và tham gia của công chúng cũng như sự tham gia của các ngành công nghiệp. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này, đặc biệt là nhận thức của các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp là những nhân tố chính đóng góp vào quá trình tăng trưởng xanh.
Một thách thức không nhỏ trong việc thực hiện Kinh tế Xanh ở Việt Nam hiện nay là vấn đề huy động nguồn vốn. Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp (hơn 1.000 USD), chỉ bằng 1/10 so với mức trung bình của thế giới (10.000 USD). Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam, cho rằng, vai trò và sự đóng góp của các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường năng lực thực hiện Kinh tế Xanh cho Việt Nam là rất cần thiết.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền Kinh tế Xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn cũng là những trở ngại với Việt Nam trong việc hướng tới nền Kinh tế Xanh.
P.CÔNG - P.NAM (tổng hợp)