Trong 2 ngày 2-3/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6/2012 trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đưa ra những giải pháp 6 tháng cuối năm.
Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khá. - Ảnh: N.TRƯỜNG
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2012, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về giá cả, lạm phát, nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng 12/2011, CPI tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%.
Về thực hiện mục tiêu bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như, hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội (thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội); đào tạo nghề cho lao động nông thôn; điều chỉnh mức lương tối thiểu… Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,6%, số người chết giảm 16,7% và số người bị thương giảm 21,6%.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội… Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2012 quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2% – 5,7%), nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí...
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; phương án thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo cơ chế thị trường; dự thảo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; tờ trình về các dự án Luật Phòng chống khủng bố; Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
(TTXVN)