Thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả biến động, thị trường thu hẹp, ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay cao..., khiến nhiều cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng, một số phải dừng hoạt động. Để khắc phục khó khăn, ngoài nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, các ngành cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm “kích” hoạt động này vượt khó trong những tháng còn lại của năm 2012.
Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Bá Hải - Ảnh: N.XUÂN
VƯỢT LÊN KHÓ KHĂN
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện hơn 3.500 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Sản lượng của một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn tăng, như tinh bột sắn tăng hơn 62%, hàng may mặc tăng 21%, chế biến thủy sản tăng hơn 11%, thuốc tây các loại tăng 21%...
Đầu năm, mặc dù gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ngành công nghiệp chế biến đạt kết quả khả quan với giá trị ước thực hiện trên 3.296 tỉ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2012, hầu hết các cơ sở sản xuất lĩnh vực này bị ảnh hưởng, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp... Trong tháng 3 và đầu tháng 4, mặc dù giá đường thành phẩm giảm mạnh, lượng đường tồn kho lớn nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban điều hành mía đường, sắn tỉnh nên các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu của nông dân, giá mía nguyên liệu được ổn định đến cuối vụ.
Ngành chế biến thủy sản, chế biến điều xuất khẩu vốn là thế mạnh của tỉnh cũng khá chật vật do không huy động được vốn để mua nguyên liệu dự trữ. Các đơn vị đã rất nỗ lực để ổn định sản xuất, có nhiều đơn hàng ký kết ở những thị trường truyền thống và tìm thêm thị trường mới. Ông Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Hải cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã vận động đủ nguồn lực mới ổn định sản xuất, tìm kiếm thêm nhiều thị trường nên hoạt động của doanh nghiệp đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, cứ vào mùa mưa bão là các đơn vị chế biến thủy sản lại thiếu nguyên liệu. Việc tiếp cận nguồn vốn để dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất còn khó khăn”. Riêng ngành may mặc xuất khẩu có thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp sớm tuyển dụng, đào tạo lao động có tay nghề, mở rộng sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các bạn hàng lớn. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành may mặc sẽ tiếp tục phát triển nhờ thị trường được rộng mở.
Trong khi đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai thác mỏ và công nghiệp sản xuất điện, nước đạt thấp, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản. Ông Phan Văn Nhơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên chia sẻ: “Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải chủ động đi chào hàng, tìm kiếm thị trường, tạo thêm những dòng sản phẩm mới như đá bia mộ, mặt bàn xuất khẩu. Công ty cũng đang xin phép UBND tỉnh cho khai thác một mỏ đá bazan để làm sản phẩm đá bazan giả cổ, đá lót sân vườn. Dòng sản phẩm này đang rất hút khách cả ở thị trường trong và ngoài nước. Đây sẽ là dòng sản phẩm mới được các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng ở Phú Yên kỳ vọng”.
NHIỀU GIẢI PHÁP GỠ KHÓ
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương Phú Yên cho biết: Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp gia hạn thời gian nộp các loại thuế; cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu. Nhờ vậy, một số ngành sản xuất cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn về vốn và có kế hoạch hoạt động trong những tháng tiếp theo.
Sở Công thương cũng sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ như tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ theo hướng chủ động và tích cực... Riêng lĩnh vực sản xuất bia và nước giải khát, Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Gài Gòn đã cam kết với Bộ Công thương xem xét việc tăng chỉ tiêu sản xuất của chi nhánh công ty tại Phú Yên để nhà máy phát huy hết năng lực sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Riêng đối với ngành khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, để đảm bảo phát triển ổn định, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư, phát triển, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm; tạo thêm nhiều sản phẩm mới thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các đơn vị cần chủ động tìm hiểu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để có nguồn tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Ông Trọng cho biết thêm, trong khi chờ đợi những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng cần có những biện pháp tự cứu mình, như rà soát lại các khâu hoạt động, loại bỏ những vấn đề bất hợp lý; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn vốn phù hợp với năng lực tài chính của mình; xây dựng mô hình quản lý năng động và chuyên nghiệp; đổi mới công nghệ, trang thiết bị để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
NGÔ XUÂN