Sáu tháng đầu năm 2012, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ngành thương mại Phú Yên đã có sự bứt phá ngoạn mục của hệ thống bán lẻ. Các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường hệ thống bán hàng từ cấp tỉnh xuống các huyện, xã, thôn. Hàng Việt Nam đang ngày càng có ưu thế, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng - Ảnh: N.XUÂN
TỔ CHỨC TỐT HỆ THỐNG BÁN LẺ
Ngay từ những tháng đầu năm, Sở Công thương đã rất chú trọng đến việc dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn thị trường thời gian cao điểm và tổ chức tốt hệ thống bán lẻ, bán hàng bình ổn giá. Sở Công thương đã phối hợp với Công ty cổ phần thương mại miền núi Phú Yên và Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa tổ chức các đợt bán hàng bình ổn tại nhiều nơi trong tỉnh. Điểm đặc biệt trong chương trình bình ổn giá năm nay là các doanh nghiệp không chỉ bán hàng ở một vài điểm cố định mà tổ chức đồng thời nhiều điểm bán hàng lưu động đến tận các xã vùng sâu, vùng xa thông qua các đợt bán hàng lưu động. Nhờ vậy, chương trình bình ổn giá đã phát huy hiệu quả tối đa, giúp người dân vùng khó khăn được tiếp cận với hàng bình ổn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa lớn như Doanh nghiệp TMTN Hải Lâm, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Hoàng Phương, DNTN Tân Thanh, DNTN Thương Sang... cũng đã tổ chức và duy trì rất tốt hệ thống phân phối hàng hóa từ thành phố đến nông thôn và cả khu vực vùng sâu, vùng xa qua các đại lý hàng và thông qua các chuyến bán hàng lưu động. Nhờ vậy, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đã chiếm lĩnh được hầu hết các thị trường trong tỉnh; có doanh nghiệp còn khai thác được thị trường các tỉnh lân cận để tiêu thụ hàng hóa.
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 6 tháng của tỉnh đạt hơn 7.200 tỉ đồng, bằng 50,4% kế hoạch, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu thì đây là con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp bán lẻ địa phương.
SỰ BỨT PHÁ CỦA HÀNG VIỆT
Tháng 8/2009, Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 3 năm qua, cuộc vận động đã phát huy hiệu quả tích cực. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng Phú Yên đã quan tâm hơn đến các loại hàng hóa trong nước sản xuất. Bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc DNTN Thương Sang cho biết: Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa; không ngừng cải tiến các mẫu mã, hình thức sản phẩm và giá cả phù hợp nên rất được lòng người tiêu dùng. Như các dòng sản phẩm điện dân dụng do Việt Nam sản xuất đã gần như thống lĩnh thị trường, lấn át các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Công thương đã tổ chức cho 11 lượt doanh nghiệp thực hiện 4 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần cung ứng hàng hóa chất lượng tốt, giá cả phù hợp, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ đầu năm đến nay, riêng Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa đã tổ chức rất nhiều đợt bán hàng lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa với hơn 95% hàng hóa của Việt Nam sản xuất. Kết quả của những chuyến bán hàng lưu động đạt kết quả khá tốt, góp phần tuyên truyền và thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của siêu thị đạt 137 tỉ đồng, trong đó 95% là hàng do Việt Nam sản xuất. Còn theo ông Nguyễn Hiển, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại miền núi Phú Yên, doanh thu 6 tháng của đơn vị đạt 123 tỉ đồng, đã tổ chức các điểm bán hàng cố định tại 3 huyện miền núi trong tỉnh với 100% là hàng Việt. Điều đó cho thấy hàng Việt đã tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng trong tỉnh.
Theo các chủ doanh nghiệp bán lẻ, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất tiết kiệm các khoản chi tiêu. Các sản phẩm gắn mác hàng ngoại liên tục tăng giá với lý do chi phí sản xuất tăng cao đang bị người tiêu dùng hạn chế sử dụng. Thay vào đó, các dòng sản phẩm do Việt Nam sản xuất ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã và giá cả hàng hóa. Thêm vào đó, sức lan tỏa rộng rãi của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần làm thay đổi nhận thức tiêu dùng của đại bộ phận người tiêu dùng về hàng Việt. Do vậy, các loại hàng Việt có chất lượng đang chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương nhận xét: Trong 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa luân chuyển rất tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; trong đó công tác vận động tiêu dùng hàng Việt được chú trọng và đạt kết quả khả quan. Từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ tăng cường chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá để đẩy mạnh sức luân chuyển hàng hóa, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt, hàng địa phương. Về lâu dài, Sở Công thương sẽ vận động các doanh nghiệp tổ chức một chuỗi hệ thống các điểm bán hàng Việt cố định tại các huyện để thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn... Các điểm bán hàng này sẽ được hưởng chính sách bình ổn giá và các chính sách khác của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn như chi phí vận chuyển, gian hàng... góp phần thúc đẩy cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, tăng cường sức luân chuyển và tiêu thụ hàng hóa, bình ổn thị trường.
NGÔ XUÂN