Các chế độ chăm sóc, quản lý, thiết kế lồng nuôi và mật độ thả thích hợp là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến vụ nuôi tôm. Một số lưu ý dưới đây nhằm giúp tăng năng suất trong nuôi tôm hùm thương phẩm:
1. Lồng nuôi: Lồng nuôi nên có dạng hình khối hộp vuông, vì hình vuông có diện tích lớn nhất, đồng thời lưu thông nước ở từng vị trí đặt lồng nuôi không theo hướng dẫn nhất định. Tùy theo quy mô nuôi, điều kiện chăm sóc quản lý và nguyên vật liệu làm lồng mà sử dụng kích thước lồng khác nhau. Thực tế, nên dùng loại lồng 16–20m2 là phù hợp với quy mô hộ gia đình và năng suất tôm hùm nuôi.
2. Vị trí đặt lồng: Nên đặt lồng nuôi ra vùng xa bờ để trao đổi nước tốt hơn. Độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm), từ 4–8m (đối với nuôi lồng sắt) và hơn 8m (đối với lồng nổi). Đáy lồng cách đáy biển > 0,5m là tốt nhất. Nơi đặt lồng nuôi phải đảm bảo cách bờ > 1.000m. Nền đáy là cát hoặc cát pha bùn có lẫn san hô gạc nai và không bị ô nhiễm. Môi trường nước vùng nuôi tôm hùm phải đảm bảo các chỉ tiêu: nhiệt độ từ 24-310C; pH: 7,5-8,5; độ muối từ 30-35‰; ôxy hòa tan: 6,2-7,2mg/l.
3. Mật độ thả: Cỡ giống “tôm trắng”: 30-40 con/m2 lồng; cỡ giống 1,5-4,0g/con: thả 25-30 con/m2 lồng; Cỡ giống 4-10g/con: 15-20 con/m2 lồng; Cỡ giống 10-50g/con: 10-15 con/m2 lồng; Cỡ giống 50-200g/con: 7-10 con/m2 lồng; Cỡ giống hơn 200g/con trở lên: 3-5 con/m2 lồng.
4. Khoảng cách giữa các lồng nuôi: Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt. Đối với các vùng nuôi nhiều nên duy trì 30–60 lồng/ha mặt nước.
5. Thức ăn cho tôm: Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác (tôm, cua, ghẹ...), động vật thân mềm (sò lông, sò đá, ốc bươu vàng...), các loài cá tạp…
6. Quản lý và chăm sóc tôm: Đối với tôm cỡ ≥ 200 g/con, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, lượng cho ăn vào chiều tối chiếm 70% lượng thức ăn trong ngày. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15-17% khối lượng tôm thả. Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý. Đối với các lồng nuôi tôm hùm con, do có mắt lưới nhỏ nên thường bị sun, hà bám, vì vậy cần vệ sinh định kỳ để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm. Khi tôm đạt cỡ 500-600g/con nên san thưa tôm với mật độ 4-5 con/m2 lồng. Sau 20-24 tháng nuôi có thể thu hoạch tôm hùm thương phẩm.
Lưu ý: Trong quá trình nuôi quan sát thấy chất đáy có màu nâu và sinh vật đáy chủ yếu là nhuyễn thể thì đó là dấu hiệu tốt. Nếu chất đáy có màu đen đậm, mùi khó chịu và sinh vật đáy chủ yếu là giun nhiều tơ thì đó là những dấu hiệu không tốt, không nên tiến hành vụ nuôi.
Theo TTKNQG